Các nhà khoa học quốc tế khám phá bí ẩn đòn gánh tre người Việt

Một số nhà khoa học quốc tế khi đến Việt Nam du lịch đã tò mò với chiếc đòn gánh tre của người Việt. Và họ khám phá ra rằng khi mang vật nặng trên đòn gánh tre cho phép người đi bộ tiết kiệm tới 20% năng lượng.

Một người phụ nữ Việt Nam mang một vật nặng bằng đòn gánh đi trên một tấm lực. Ảnh: Phòng thí nghiệm Bertram, Đại học Calgary.

Một người phụ nữ Việt Nam mang một vật nặng bằng đòn gánh đi trên một tấm lực. Ảnh: Phòng thí nghiệm Bertram, Đại học Calgary.

Đông Nam Á với rừng nhiệt đới phong phú với hàng nghìn côn trùng và động vật có vú vốn là nơi để một nhà sinh vật học để tìm kiếm cảm hứng. Nhưng khi nhà khoa học James Croft, Đại học Edith Cowan, Úc, đi du lịch sang Việt Nam, điều khiến ông tò mò đó không phải là hệ thực vật và động vật phong phú mà là việc dân làng gánh tải trọng lớn, đôi khi hơn cả trọng lượng cơ thể của họ, trên “một cây sào tre vắt ngang vai” – đòn gánh.

“Tôi tò mò về việc đòn gánh đã phát triển như thế nào”, Croft nói. “Tôi tự hỏi liệu sự uốn cong của đòn gánh có cho phép chúng chuyển tải hiệu quả hơn không”. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng lợi ích của việc tìm hiểu tải trọng trên các đòn gánh cong cho nhiều kết luận khác nhau; một số nghiên cứu cho thấy các cực hai bên đòn gánh cong có lợi, trong khi những nghiên cứu khác thì không. Croft nhận ra rằng nhiều cuộc điều tra trước đây đã được thực hiện với những người mới tập gánh, trong khi dân làng mà anh ta quan sát là những chuyên gia thực thụ, nhiều người có nhiều thập kỷ kinh nghiệm.

Sau khi thảo luận về vấn đề này với nhà khoa học John Bertram từ Đại học Calgary, Canada, ông Croft quyết định quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu xem những người vận chuyển cực linh hoạt có kinh nghiệm có thích nghi với cách họ đi bộ để giúp họ mang vác nặng hay không. Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trong Tạp chí Sinh học Thực nghiệm ngày 4-12 rằng, dân làng mang vật nặng trên đòn gánh uốn cong linh hoạt có thể sử dụng năng lượng ít hơn 20% so với khi sử dụng cột cứng.

"Chuyến du lịch đến Việt Nam vừa thú vị vừa đầy thử thách", Ryan Schroeder, cũng đến từ Đại học Calgary kể lại cách bộ ba lái xe gần biên giới phía nam Trung Quốc sau khi bay tới Hà Nội. “Chúng tôi đã liên lạc với Đại học Y Dược Thái Nguyên và gặp hai nhà khoa học PGS, TS Nguyễn Văn Sơn và TS Hạc Văn Vinh. Sau đó, chúng tôi đã thuê một người phiên dịch nhờ kết nối với những người có kinh nghiệm sử dụng đòn gánh tre”, Schroeder nói.

Sau khi tuyển được 14 tình nguyện viên, trong độ tuổi từ 18 đến 80, nhóm nghiên cứu yêu cầu họ gánh đòn gánh đi bộ dọc theo con đường dài 20m, mang tải trọng từ 0% đến 50% trọng lượng cơ thể trên đòn gánh của họ. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đo chuyển động của các tình nguyện viên bằng máy gia tốc kế đặt trên mắt cá chân, lưng và hai bên đòn gánh.

Quay trở lại Đại học Calgary, Schroeder đã phân tích chuyển động của các tình nguyện viên và nhận ra rằng dân làng đang điều chỉnh sải chân của mình 3,3% (0,067 bước/giây) khi mang một nửa trọng lượng cơ thể của họ trên đòn gánh. Và khi ông xây dựng một mô phỏng máy tính của những người gánh bộ và tính toán sự đóng góp của tính linh hoạt của đòn gánh với hiệu quả của việc đi bộ, ông nhận ra rằng những người đi bộ di chuyển với ít nỗ lực hơn khi hơi lệch khỏi bước dao động tự nhiên của các đòn gánh.

Mô phỏng cũng dự đoán rằng những người đi bộ mang trọng lượng cơ thể của chính họ trên đòn gánh tre sẽ tiết kiệm gần 20% năng lượng so với việc sử dụng một đòn gánh cứng. Ngoài ra, đòn gánh tre uốn cong đã bảo vệ được vai của họ nhiều hơn, bằng cách giảm 18% lực tác dụng lên chúng khi vận chuyển một nửa trọng lượng cơ thể, và điều đó cho phép họ mang vác vật vô cùng nặng di chuyển hàng km.

Nhà khoa học Schroeder cho rằng: “Dường như chúng ta có thể học được rất nhiều từ người dân nông thôn ở châu Á, những người đã sử dụng đòn gánh tre để mang gánh nặng trong hàng trăm năm, nếu không nói là hàng nghìn năm. Ông cũng đang cố gắng sử dụng nguyên lý này trong thiết kế ba lô mới. "Những công cụ đơn giản nhưng đáng chú ý này có khả năng làm giảm sức cho con người khi mang vác. Người phương Tây chỉ mới bắt đầu bắt kịp sự đổi mới này", ông mỉm cười nói.

Cùng ngắm những hình ảnh đòn gánh tre thân thương đã tồn tại hàng nghìn năm trên đôi vai người Việt:

Ảnh: Internet

HOA LAN

Theo Scitechdaily

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42489102-cac-nha-khoa-hoc-quoc-te-kham-pha-bi-an-don-ganh-tre-nguoi-viet.html