Các nhà khoa học tăng hàm lượng sắt trong ngô, mang hy vọng cho người mắc bệnh thiếu máu
Một phương pháp mới nhằm tăng hàm lượng sắt trong ngô (bắp) có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt khoáng chất thiết yếu trên toàn thế giới, theo các nhà khoa học Trung Quốc đứng đằng sau sự phát triển này.
Hôm 10.12, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin loại ngũ cốc tăng cường này đang được trồng thử nghiệm ở tỉnh Hà Nam (miền trung đất nước), mang lại hy vọng về những vụ thu hoạch năng suất cao, giàu sắt trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp dựa trên gien của họ đã giúp tăng hàm lượng sắt trong hạt ngô lên 70,5 mg/kg, hoặc cao hơn gấp đôi so với các giống hiện có.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học cây trồng thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và Đại học Nông nghiệp Hà Nam đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Science.
Sắt là chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển, tăng trưởng tế bào trong hệ thống miễn dịch và thần kinh, cũng như điều chỉnh quá trình chuyển hóa năng lượng. Viện Y tế Quốc gia Mỹ khuyến cáo nam giới nên bổ sung 8 mg sắt và nữ giới là 18 mg sắt mỗi ngày.
Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu, tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh. Thiếu sắt có thể là kết quả của việc ăn uống không đủ chất sắt, nhu cầu tăng lên trong thời kỳ tăng trưởng và mất máu do nhiễm giun ký sinh hoặc kinh nguyệt ở tuổi thiếu niên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 40% trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi bị thiếu máu, hơn 1/3 bà mẹ tương lai và 30% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi cũng vậy.
WHO khuyến cáo việc bổ sung chất sắt vào thực phẩm cơ bản như ngô theo phương pháp công nghiệp, nhấn mạnh rằng điều này đã được thực hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia ở châu Mỹ và châu Phi, nơi ngô chiếm một phần lớn trong chế độ dinh dưỡng.
Với nghiên cứu được công bố gần đây, nhóm khoa học Trung Quốc đã xác định được một gien quy định nồng độ sắt trong hạt ngô và phát hiện ra rằng việc tăng cường mức độ biểu hiện của gien này sẽ làm tăng hàm lượng sắt. Biểu hiện gien là quá trình thông tin được lưu trữ trong DNA chỉ đạo sự hình thành tế bào.
Tác giả chính Li Wenxue, người đứng đầu nghiên cứu nhân giống ngô phân tử tại Viện Khoa học cây trồng, cho biết nhóm khoa học có thể nạp sắt vào hạt ngô mà không ảnh hưởng đến năng suất, từ đó giải quyết được một vấn đề tồn tại lâu dài.
Li Wenxue cho biết: “Việc bổ sung sắt là một giải pháp khả thi cho những trường hợp thiếu hụt nhưng chi phí khá cao. Việc tăng cường hàm lượng sắt trong cây trồng hàng ngày về cơ bản có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng sắt của người dân với chi phí thấp, điều này có ý nghĩa đặc biệt cho các nước đang phát triển, nơi ngô là lương thực chính”.
Các cuộc khảo sát quốc tế cho thấy ngô là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ nhiều thứ ba trên thế giới, sau gạo và lúa mì.
Theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tạp chí Food Security, dù người dân ở 161 quốc gia ăn ngô nhưng điều này phổ biến hơn nhiều ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp cũng như tại châu Phi.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mỗi người dân đã ăn hơn 50kg ngô mỗi năm ở 9 quốc gia miền đông và miền nam châu Phi, cũng như 7 quốc gia khác tại Nam Mỹ.
8 lợi ích tuyệt vời của ngô
Hơn cả một món ăn vặt, ngô là loại thực phẩm bổ dưỡng sức khỏe mà bạn có thể chưa biết.
Theo trang LatestLY, sau đây là một số lợi ích của ngô.
1. Giảm nguy cơ thiếu máu
Ngô chứa các vi chất dinh dưỡng như vitamin B12, axít folic và sắt hỗ trợ việc sản sinh các tế bào hồng cầu trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ thiếu máu.
2. Giảm mức cholesterol
Do ngô rất giàu chất xơ nên giúp giảm mức cholesterol trong cơ thể. Ngô cũng có khả năng điều chỉnh insulin, trở thành một thực phẩm lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường.
Nguồn dồi dào vitamin C, carotenoid và bioflavonoid trong ngô giữ trái tim mà bạn khỏe mạnh bằng cách kiểm soát mức cholesterol và kích thích lưu thông máu. Dầu bắp có khả năng làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể.
3. Tăng năng lượng
Nếu sống năng động, làm công việc văn phòng và tập thể dục mỗi ngày, bạn nên ăn ngô vì giúp làm tăng mức năng lượng. Loại thực phẩm này chứa các carbohydrate phức hợp, có thể làm giảm tốc độ tiêu hóa và có thể cung cấp năng lượng trong thời gian lâu hơn. Ăn ngô đảm bảo hoạt động đúng đắn của não bộ và hệ thần kinh.
4. Giảm nguy cơ ung thư
Ngô chứa nhiều chất xơ giúp làm giảm mức cholesterol, nhờ đó giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết. Một hợp chất được tìm thấy trong ngô có tên gọi beta-cryptoxanthin giúp tăng cường sức khỏe phổi, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Các chất chống oxy hóa trong ngô có khả năng chống và loại bỏ gốc tự do có thể gây ung thư. Ngô còn là một nguồn phong phú hợp chất phenolic và axít ferulic có khả năng tiêu diệt khối u trong vú, gan.
5. Tốt cho phụ nữ mang thai
Sự hiện diện của axít folic và zeaxanthin trong ngô có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Vì vậy, thai phụ có thể ăn ngô để bảo vệ em bé khỏi thoái hóa cơ bắp và vấn đề sinh lý.
6. Tăng cường sức khỏe làn da
Ngô chứa vitamin C và một chất chống oxy hóa gọi là lycopene, có thể thúc đẩy việc sản xuất collagen và cải thiện độ đàn hồi của da.
7. Hữu ích cho mắt
Ngô là một nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin. Nhiều nghiên cứu cho thấy hai chất này giúp ngăn ngừa hoặc kìm hãm sự phát triển của bệnh thoái hóa điểm vàng, một căn bệnh về mắt thường gặp.
8. Có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer
Ngô là một nguồn cung cấp đáng kể thiamin (Vitamin B1), vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng não, đồng thời giúp tổng hợp acetylcholine, dẫn đến việc cải thiện trí nhớ.