Các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch lâu đời nhất của loài bò sát biển cổ đại ở Bắc Cực
Ichthyosaur là một nhóm bò sát biển cổ đại phát triển thịnh vượng trong thời đại khủng long, một số cá thể có thể đạt tới chiều dài khoảng 70 feet (21 mét) – một trong những sinh vật có kích thước lớn nhất trong lịch sử đại dương, chỉ đứng sau cá voi xanh.
Nguồn gốc của loài Ichthyosaur vẫn tồn tại nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Các hóa thạch vừa mới được phát hiện có niên đại khoảng 250 triệu năm trước, được khai quật ở một địa phương khắc nghiệt và xa xôi, đảo Spitsbergen ở vùng cực Bắc của Na Uy, đã mang lại cái nhìn sâu sắc đáng và ngạc nhiên về quá trình tiến hóa của Ichthyosaur.
Trong khi ngày nay có gấu bắc cực và cá voi Beluga ở Spitsbergen, thì 250 triệu năm trước, vùng biển này đã có rất nhiều cá, cá mập, động vật có vỏ nhìn giống như mực và động vật lưỡng cư giống cá sấu được gọi là temnospondyls.
Hóa thạch được tìm thấy là hóa thạch có niên đại lớn nhất của loài Ichthyosaur, sống vào khoảng 2 triệu năm sau khi Kỷ Pecmi kết thúc do sự phun trào của một ngọn núi lửa khổng lồ ở khu vực Siberia ngày nay đã quét sạch khoảng 90% các loài vật trên Trái Đất. Mười một đốt sống đuôi được phát hiện đã chỉ ra rằng sinh vật này có chiều dài lên đến 3 mét, khiến nó trở thành kẻ săn mồi cực kỳ nguy hiểm.
Giống như cá voi và nhiều dòng dõi bò sát khác sinh sống ở các đại dương trên Trái đất, Ichthyosaur đã phải tiến hóa và trải qua quá trình chuyển đổi từ đất liền sang biển. Các nhà nghiên cứu đã suy luận rằng bất kỳ loài Ichthyosaur nào sống cách đây 250 triệu năm sẽ không khác xa so với những tổ tiên từng sinh sống trên cạn của nó. Các hóa thạch cho thấy loài Ichthyosaur nguyên thủy này, hiện chưa có tên gọi khoa học, về phương diện giải phẫu đã có khá nhiều sự tiến hóa.
“Điều đang ngạc nhiên ở đây là sau một loạt các phân tích về vi cấu trúc xương, địa hóa học và chụp cắt lớp bằng công nghệ máy tính, chúng tôi đã phát hiện ra rằng các đốt sống này là của một sinh vật rất tiên tiến, phát triển nhanh, có lẽ là máu nóng, có thân hình lớn với chiều dài khoảng 3 mét, và sống hoàn toàn ở đại dương.” Benjamin Kear, người phụ trách nghiên cứu cổ sinh vật có xương sống tại Bảo tàng Tiến hóa của Đại học Uppsala ở Thụy Điển và là tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology cho biết .
Kear nói thêm: “Phát hiện này có ý nghĩa về nhiều mặt, nhưng điều quan trọng nhất là nó đã chỉ ra rằng tổ tiên của loài Ichthyosaur sau tiến hóa đã xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với những suy đoán trước đây.”
Sự tuyệt chủng trên diện rộng bởi núi lửa phun trào đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái trên mặt đất và dưới biển, đồng thời mở ra cơ hội cho các loài mới đảm nhận vai trò sinh thái mà các sinh vật đã tuyệt chủng bỏ trống. Ichthyosaur nhanh chóng chiếm ưu thế và tồn tại cho đến khoảng 90 triệu năm trước.
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định được những các loài cá voi nguyên thủy nhất, bao gồm một loài có tên khoa học là Ambulocetus, hay còn được gọi là “cá voi biết đi” vì vẫn giữ được các chi giúp nó có thể di chuyển trên cạn.
Kear cho biết: “Điều thú vị nhất là tổ tiên ‘biết đi’ của loài Ichthyosaur chắc chắn vẫn đang ở ngoài kia chờ được khám phá. Bây giờ chúng tôi phải bắt đầu tìm kiếm những tảng đá thậm chí còn cổ hơn, đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm trong chuyến đi tìm hóa thạch tiếp theo ở Spitsbergen vào mùa hè này.”