Các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết thành lập Mạng lưới Một sức khỏe
Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố cam kết thành lập Mạng lưới Một sức khỏe ASEAN để phát triển, tăng cường hợp tác và phối hợp đa ngành trong khối theo Sáng kiến Một sức khỏe.
“Việc thiết lập mạng lưới này bao gồm cả việc thiết lập mối liên kết với các cơ chế quốc gia hiện có hoặc có tiềm năng của các quốc gia thành viên ASEAN”, các nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Đông Nusa Tenggara hôm 10.5, hãng thông tấn Antara của Indonesia đưa tin.
Cam kết này được đưa ra sau khi rút kinh nghiệm từ những tác động tàn khốc và đa chiều của đại dịch Covid-19, nhằm đối phó với các dịch bệnh tương tự cũng như các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi khác, bao gồm cả bệnh lây truyền từ động vật sang người và tình trạng kháng kháng sinh (AMR).
Việc thành lập Mạng lưới Một sức khỏe cũng được cân nhắc dựa trên tác động ngày càng gia tăng của những thách thức khác liên quan đến biến đổi khí hậu đối với cuộc sống và sinh kế của con người, nhu cầu tăng cường các hệ thống y tế để những hệ thống này trở nên linh hoạt và đáp ứng tốt hơn, như được phác họa trong Kế hoạch tổng thể ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng lưu ý về nguy cơ gia tăng tính dễ bị tổn thương của mỗi quốc gia thành viên trước các mối đe dọa đối với con người, động vật, thực vật và môi trường do nguy cơ xảy ra dịch bệnh và đại dịch, bao gồm cả bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, mối nguy thực phẩm và AMR.
Các nhà lãnh đạo cho rằng cần có Hội đồng chuyên gia cấp cao Một sức khỏe (OHHLEP) và Kế hoạch hành động chung vì một sức khỏe (2022–2026) để tăng cường khả năng tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật, thực vật và hệ sinh thái cũng như các khả năng ngăn ngừa, dự đoán, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe.
Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, điều này đã chứng minh tầm quan trọng của cách tiếp cận hợp tác và đa ngành đối với Sáng kiến Một sức khỏe.
Các nhà lãnh đạo cũng nhận thấy rằng các Sáng kiến và cơ chế Một sức khỏe hiện có trong ASEAN, cả giữa các quốc gia và giữa các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, đều rất quan trọng.
Do đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng dựa trên những kinh nghiệm thành công, thực tiễn tốt nhất và tiến độ đã đạt được cho đến nay trong các Sáng kiến và Mạng lưới Một sức khỏe ASEAN, bao gồm sự tham gia của các bên liên quan và nhận thức của cộng đồng.
Bên cạnh cam kết hình thành Mạng lưới Một Sức khỏe ASEAN, các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên cũng cam kết xác định các mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường, bao gồm cả mầm bệnh từ động vật gây bùng phát dịch bệnh và những mầm bệnh có khả năng gây đại dịch, để định hướng đầu tư, nghiên cứu và phát triển cho các hoạt động phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó (PPR).
Việc xây dựng Kế hoạch hành động chung ASEAN Một sức khỏe cũng là một phần trong cam kết nhằm nâng cao năng lực và khả năng của khu vực và quốc gia với các mục tiêu hữu hình, đo lường được và có thời hạn, đồng thời kêu gọi sự hợp tác liên ngành mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan, các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường, cũng như an toàn thực phẩm ở các quốc gia ASEAN, bao gồm thông qua hợp tác song phương và đa phương.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục tìm hiểu các sáng kiến song phương và đa phương, cũng như hợp tác và gắn kết với các đối tác quốc tế và phát triển, những bên sẽ đóng góp vào việc thực hiện cách tiếp cận Một sức khỏe ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm các nỗ lực nhằm đảm bảo các phương án tài chính bền vững hoặc sáng tạo.
Các nhà lãnh đạo cũng yêu cầu các Bộ trưởng Ytế ASEAN hợp tác với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về động vật, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường và thực phẩm, với sự hỗ trợ từ Hội nghị cấp cao về phát triển y tế, phối hợp với các cơ quan trực thuộc và các bên liên quan khác để bắt đầu tham vấn, phối hợp và giám sát các nỗ lực để hoàn thành các kết quả của tuyên bố.