Các nhà lãnh đạo tài chính G7 cam kết đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Theo bản dự thảo thông cáo từ cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7, khối cam kết giải quyết lỗ hỗng pháp lý trong hệ thống ngân hàng, trong khi tuyên bố sẽ khởi động kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cuối năm 2023.
Từ 11 - 13/5, các nhà lãnh đạo tài chính của các quốc gia G7 bao gồm các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương sẽ gặp mặt thảo luận. Các cuộc thảo luận này sẽ đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ 19 - 21/5 sắp tới tại Hiroshima, Nhật Bản.
Dự kiến sau cuộc họp kéo dài 3 ngày tại thành phố Niigata của Nhật Bản, các nhà lãnh đạo tài chính của G7 sẽ đưa ra một thông cáo chung chiều ngày 13/5. Tuy nhiên theo Reuters trích dẫn bản dự thảo thông cáo, các Ngân hàng Trung ương G7 "cam kết mạnh mẽ" trong việc đạt được sự ổn định về giá cả, đồng thời đảm bảo kỳ vọng lạm phát vẫn ổn định.
Nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi trước nhiều cú sốc bao gồm đại dịch COVID-19, chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine cũng như các áp lực lạm phát liên quan. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cần “duy trì sự thận trọng, nhanh nhẹn và linh hoạt trong chính sách kinh tế vĩ mô của mình trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng không chắc chắn".
Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn, với Trung Quốc trở thành tâm điểm của cuộc họp. Các quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản - chủ tịch G7 năm 2023 - đều tuyên bố sẽ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thêm vào đó theo kế hoạch hợp tác mới, các nền kinh tế G7 cũng sẽ cung cấp viện trợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các quốc gia này vì vậy sẽ có thể đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng như tinh chế khoáng sản và chế biến các bộ phận sản xuất.
Nhận định về tầm quan trọng của việc này, dự thảo thông cáo cho biết: "Đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và giúp G7 duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô". Kế hoạch này dự kiến sẽ được khởi động “chậm nhất là vào cuối năm nay” và các quốc gia thành viên G7 sẽ làm việc với các nước quan tâm cùng các tổ chức quốc tế có liên quan.
Trong buổi gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm 13/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây gián đoạn và ảnh hưởng lan tỏa từ chiến sự tại Ukraine.
Liên quan tới tranh chấp giữa Nga và Ukraine, dự thảo thông cáo này một lần nữa lên án chiến dịch quân sự “bất hợp pháp, phi lý và vô cớ" của Nga đối với Ukraine, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp giám sát các giao dịch xuyên biên giới giữa Moscow cùng các nước khác.
Tuy nhiên, dự thảo thông cáo không nhắc tới các bế tắc xoay quanh vấn đề trần nợ công 31.400 tỷ USD của Mỹ. Vấn đề này đang gây ra lo ngại lớn và càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm, lạm phát cao.
Tuy nhiên, nó có nhắc tới cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tại Mỹ. Theo Reuters trích dẫn dự thảo thông cáo, G7 sẽ “giải quyết các khoảng trống về dữ liệu, giám sát và quy định trong hệ thống ngân hàng”. Nhóm này đưa ra dự đoán hệ thống tài chính có khả năng phục hồi nhờ những cải cách về quy định được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.