Các nhà máy lọc dầu châu Á kỳ vọng Saudi Arabia hạ giá dầu

Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy các nhà máy lọc dầu châu Á kỳ vọng Saudi Arabia sẽ giảm giá cung ứng dầu thô cho khu vực này trong tháng 8/2023.

Một cơ sở lọc dầu ở khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở lọc dầu ở khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy các nhà máy lọc dầu châu Á kỳ vọng Saudi Arabia sẽ giảm giá cung ứng dầu thô cho khu vực này trong tháng 8/2023, ngay cả khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu này cam kết cắt giảm sản lượng sâu hơn trong tháng 7/2023 như một phần của thỏa thuận rộng lớn hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Trong tháng 6/2023, Saudi Arabia đã bất ngờ tăng giá đối với các lô hàng được giao trong tháng 7/2023, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á.

Để hỗ trợ giá toàn cầu giảm do lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế, Saudi Arabia đã tình nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7/2023 dựa trên thỏa thuận rộng lớn hơn của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024.

Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco dự kiến sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô Arab Light trong tháng 8/2023 khoảng 50 xu một thùng so với tháng trước đó.

Chênh lệch giữa giá OSP tháng 7/2023 của loại dầu này so với mức giá trung bình của dầu Dubai và Oman đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng là 3 USD/thùng.

Lợi nhuận tại một nhà máy lọc dầu của Singapore, xử lý dầu thô Dubai, đã giảm xuống mức trung bình 3,44 USD/thùng trong tháng 6/2023, so với mức 4,78 USD/thùng trong tháng trước.

Ngoài ra, nhu cầu đối với hàng hóa vận chuyển trong tháng 8/2023, sẽ bàn giao đến các nhà máy lọc dầu châu Á vào tháng 9/2023, có thể giảm do một số nhà máy chuẩn bị đóng cửa để bảo trì.

Còn theo các chuyên gia, trong thập kỷ qua, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chứng kiến hai lần giá lao dốc. Từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2016, giá dầu Brent trung bình giảm hơn 70%, từ 112 USD/thùng xuống 31 USD/thùng. Từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2020, giá dầu Brent trung bình cũng giảm hơn 70%, từ 71 USD/thùng xuống 18 USD/thùng, một phần do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu toàn cầu giảm.

Trong cả hai lần, các nước sản xuất kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng sẽ góp phần ngăn chặn đà giảm của giá dầu toàn cầu, do những khó khăn lớn về kinh tế khi xuất khẩu dầu là nguồn thu chính.

Saudi Arabia và các nước đối tác trong OPEC+ đã thông báo quyết định cắt giảm sản lượng mới nhất vào đầu tháng 6, hy vọng hành động tập thể này, cùng với việc triển vọng kinh tế cải thiện và tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn, sẽ ổn định được giá dầu.

Nga cũng tham gia vào các nỗ lực trên và hồi tháng 4 đã thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 5 cho rằng việc cắt giảm sản lượng là cần thiết để ổn định giá dầu trên thị trường thế giới.

Theo hạn ngạch mới mà OPEC+ đã nhất trí, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia ở mức 10,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi Nga sẽ sản xuất 9,8 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu mỏ đã có phản ứng tích cực ban đầu trước quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Giá dầu Brent tăng 6%, từ mức 72,6 USD/thùng vào cuối tháng 5 lên 76,95 USD/thùng vào ngày 6/6.

Tuy nhiên, trong tuần sau đó, giá dầu để mất hơn một nửa mức tăng trên. Vào ngày 12/6, giá dầu Brent ở mức thấp kỷ lục mới trong một năm là 71,84 USD/thùng.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn hồi tháng 6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khi các nước OPEC+ nỗ lực cắt giảm sản lượng, Mỹ dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới về sản lượng là 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 6% so với mức 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022. EIA cũng nhận định giá dầu sẽ ổn định, với dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2023 và 84 USD/thùng trong năm 2024.

Diễn biến giá dầu trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trước đó nhận định nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2028, với mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và đạt đỉnh 105,7 triệu thùng/ngày trong năm 2028, chủ yếu nhờ kinh tế Trung Quốc phục hồi. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 lên 2,1%.

Trong khi đó, OPEC tháng 6/2023 đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc năm 2023, khi tình hình nền kinh tế nước này khả quan hơn dự kiến, dù vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu toàn cầu. OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc năm nay lên 15,7 triệu thùng/ngày, tăng 840.000 thùng/ngày./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nha-may-loc-dau-chau-a-ky-vong-saudi-arabia-ha-gia-dau/297890.html