Các nhà máy lọc dầu Mỹ tìm tới Mỹ Latinh và Trung Đông sau khi ông Trump áp thuế
Các nhà máy lọc dầu Mỹ đang tìm kiếm nguồn dầu thô thay thế từ Mỹ Latinh và Trung Đông để bù đắp cho việc dầu thô nhập khẩu từ Canada và Mexico trở nên đắt đỏ hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế, theo các nhà giao dịch.
Các nhà chế biến dầu Mỹ có khả năng tìm đến các loại dầu nặng tương tự được khai thác tại Brazil và Guyana do khoảng cách tương đối gần, theo giới thương mại. Họ thậm chí có thể nhập dầu từ tận Iraq, dù nước này chỉ xuất khẩu một lượng hạn chế dầu thô không cố định điểm đến, nghĩa là có thể xuất đi bất cứ đâu.
Quyết định của ông Trump đã đẩy khoảng 4,5 triệu thùng dầu nhập khẩu mỗi ngày từ các nước láng giềng vào tình trạng bất ổn. Phần lớn trong số này đến từ Canada, sẽ bị đánh thuế 10%, trong khi dầu từ Mexico chịu mức thuế 25%. Dầu thô Venezuela có thể là một lựa chọn thay thế, nhưng khả năng Washington nới lỏng các hạn chế đối với nguồn cung từ quốc gia Nam Mỹ này là rất thấp.
Thuế quan có thể thúc đẩy sự tái cấu trúc một phần chuỗi cung ứng năng lượng, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và chi phí vận tải tăng lên. Dầu thô Mexico dư thừa có thể được chuyển hướng sang châu Á, trong khi dầu Canada có thể bị ép giá để có thể thâm nhập thị trường Mỹ hoặc xuất khẩu một phần nhỏ qua bờ Thái Bình Dương. Trong khi đó, nhu cầu mua dầu Mỹ của các nhà máy lọc dầu châu Á có thể giảm nếu mức chênh lệch giữa dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ và dầu Brent chuẩn toàn cầu tiếp tục thu hẹp.
Các nhà khai thác dầu Canada sẽ buộc phải “giảm giá dầu Western Canadian Select để bù đắp mức thuế 10%”, theo báo cáo từ các nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co., bao gồm Natasha Kaneva. Đối với Mexico, “họ có thể chuyển hướng xuất khẩu sang châu Âu và châu Á, trong khi Mỹ có thể thay thế dầu thô Mexico bằng các nguồn cung có thời gian vận chuyển dài hơn”, theo nhận định của các chuyên gia.
Các nhà máy lọc dầu Mỹ, đặc biệt là những cơ sở ở vùng Trung Tây vốn phụ thuộc nhiều vào dầu Canada, sẽ phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn do thuế quan. Theo Goldman Sachs Group Inc., các nhà khai thác dầu Canada sẽ gánh thêm chi phí 3-4 USD/thùng, trong khi người tiêu dùng ở Trung Tây Mỹ phải chịu mức tăng 2-3 USD/thùng. Tác động này cuối cùng sẽ lan sang giá các sản phẩm dầu tinh chế trên khắp nước Mỹ.
Hợp đồng xăng kỳ hạn tại New York đã tăng tới 6,2% do dự báo rằng các nhà máy lọc dầu Mỹ sẽ chuyển phần chi phí gia tăng này sang người tiêu dùng hoặc cắt giảm sản lượng nhiên liệu.
Điều này có thể là tin vui cho các nhà máy lọc dầu ở châu Á và châu Âu, những bên sẽ hưởng lợi từ thị trường xăng dầu mạnh hơn. Các nhà chế biến dầu của Trung Quốc và một số nước châu Á khác, hiện đang vật lộn với biên lợi nhuận giảm sút sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dầu Nga vào ngày 10/1, dự kiến được hưởng lợi.
Các thách thức hậu cần, chẳng hạn như hạn chế về đường ống khiến dầu Canada khó vận chuyển ra Thái Bình Dương, cũng như rủi ro liên tục đối với hoạt động vận tải qua Biển Đỏ, có thể hạn chế mức độ tái điều chỉnh dòng chảy dầu mỏ. Ngoài ra, mức thuế 10% đối với dầu Canada có thể không đủ lớn để tạo ra thay đổi đáng kể trong thương mại.
“Với mức 10%, tác động về giá cả vẫn có thể kiểm soát được và có khả năng không dẫn đến sự thay đổi lớn về dòng chảy vật lý”, theo một báo cáo từ RBC Capital Markets LLC do nhóm chiến lược gia, bao gồm Brian Leisen, công bố.