Các nhà máy nhiệt điện đối mặt nhiều rủi ro
Các nhà máy nhiệt điện, bao gồm đã đi vào hoạt động và nhà máy mới, đứng trước nhiều thách thức trong vận hành cũng như trong tài chính.
Cơ cấu điện sản xuất năm 2020 cho thấy những dấu hiệu bước đầu về bối cảnh cạnh tranh mới mà các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch đang phải đối mặt, khi các nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện bắt đầu thâm nhập thị trường.
Các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và chạy dầu đang đứng trước rủi ro mới về doanh thu và các thách thức trong vận hành.
Nhận định này được đưa ra trong báo cáo mới đây của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA). Số liệu trong báo cáo cho thấy, các nhà máy nhiệt điện khí và chạy dầu đã bị giảm huy động, sản lượng được thay thế bằng nguồn điện mặt trời.
Một số nhà máy nhiệt điện khí không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ghi nhận doanh thu sụt giảm vào năm 2020 do bị giảm huy động, điều mà các chủ đầu tư lý giải không chỉ do nhu cầu tiêu thụ điện giảm mà còn do cạnh tranh từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Ví dụ, nhà máy nhiệt điện khí 1.500MW Cà Mau 1&2 thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, cũng là nhà máy nhiệt điện khí lớn nhất cả nước hiện nay, trong năm 2020 đã giảm 14% sản lượng so với năm trước, dẫn tới doanh thu giảm 1.965 tỷ đồng (84,9 triệu USD).
Tương tự, nhà máy nhiệt điện khí 450MW Nhơn Trạch 1 cũng đã ghi nhận sản lượng giảm 65% so với năm trước đó, và doanh thu giảm gần 3.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 146 triệu USD.
Năm 2021, mặc dù nhu cầu điện bắt đầu phục hồi, EVN dự kiến rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể sẽ ghi nhận mức giảm sản lượng năm đáng kể đầu tiên trong lịch sử, với tốc độ giảm 4% so với năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện khí tiếp tục giảm (-18,6%) trên nền vốn đã thấp của năm ngoái, trong khi các nhà máy điện chạy dầu có chi phí cao gần như đã không được sử dụng.
Cùng với đó, các rủi ro về kỹ thuật bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn chuyển dịch này, khi một số tổ máy nhiệt điện khí không thích ứng tốt với những đòi hỏi mới của hệ thống.
Một số sự cố đã được ghi nhận tại nhà máy nhiệt điện khí Bà Rịa và Phú Mỹ 2.2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng như nhiều phản ánh từ các nhà máy không quen vận hành ở chế độ chờ nay phải đối mặt với chi phí hoạt động và rủi ro sự cố tăng cao.
Ngoài các dự án nhiệt điện than hiện có, những dự án mới cũng cho thấy nhiều rủi ro khi có thể gây lãng phí tới 25 tỷ USD.
Tại Việt Nam, gần 24GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch, trong đó 99% các dự án sẽ không có lợi nhuận trong điều kiện kinh doanh bình thường, theo tính toán từ tổ chức tài chính Carbon Tracker.
Người tiêu dùng và người đóng thuế cuối cùng sẽ phải chi trả nhiều tiền bởi các nước này sẽ hỗ trợ điện than, hoặc tạo một thị trường, thỏa thuận mua bán điện thuận lợi cũng như các hình thức chính sách hỗ trợ khác.
“Chúng tôi biết rằng các dự án điện than mới có thể được tiếp tục, ngay cả khi tính kinh tế không tăng lên vì các lý do phi tài chính – điều nằm ngoài phạm vi phân tích của chúng tôi”, báo cáo viết.
Tổ chức tài chính này nhận định năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022.
Cùng với đó, các dự án điện than tại Việt Nam sẽ ít có cơ hội hơn trong nhận nguồn vốn giá rẻ trong tương lai khi Hàn Quốc mới đây tuyên bố dừng đầu tư vào điện than ở nước ngoài.
Cụ thể, ngày 22/4/2021, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu, Hàn Quốc đã tuyên bố chính thức chấm dứt đầu tư công đối với các dự án điện than ở nước ngoài.
Cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những nguồn cấp tài chính lớn nhất cho các dự án điện than ở Việt Nam.
Gần đây nhất, các công ty nhà nước của Hàn Quốc, trong đó có Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã rót 189 triệu USD vào 40% cổ phần của dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 tại tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị cho vay là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Quyết định này đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích của cộng đồng quốc tế bởi đi ngược lại với chính sách kinh tế xanh mới của quốc gia Nam Á này.
Trước sức ép chỉ trích của các nhà đầu tư và các nhà hoạt động vì khí hậu, ngày 28/10/2020, KEPCO đã chính thức tuyên bố sẽ dừng đầu tư vào các dự án điện than ở nước ngoài sau dự án Vũng Áng 2 tại Việt Nam.
Nhật Bản cũng đang bị chỉ trích vì cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án điện than ở Indonesia và Việt Nam thông qua Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Vào tháng 7/2020, Nhật Bản đã thắt chặt các điều kiện cho vay đối với các dự án điện than ở nước ngoài, chấp nhận chỉ cho vay các dự án ở các quốc gia có kế hoạch giảm phát thải hoặc không có giải pháp thay thế khả thi.