Các nhà máy trong Cụm công nghiệp Nam Quang hoạt động trở lại

Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) hiện có 6 nhà máy đã sản xuất trở lại sau dịch Covid – 19. Không khí lao động sản xuất từng bước ổn định, người lao động cũng đã yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Công ty Thái Hoàng xây dựng nhà máy ván ép giai đoạn 2.

Công ty Thái Hoàng xây dựng nhà máy ván ép giai đoạn 2.

Chúng tôi có mặt ở Nhà máy sản xuất Giấy đế xuất khẩu của Công ty TNHH Hải Hà, Giám đốc Công ty Vũ Đại Đồng, cho biết: Nhà máy hiện đang cắt giảm gần 45% công nhân để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Hiện tại, nhà máy còn 40 công nhân trực tiếp lao động. Công suất nhà máy giảm khoảng 50% so với trước dịch; sản phẩm làm ra hiện tại vẫn phải lưu kho vì Đài Loan (thị trường xuất khẩu của Công ty) vẫn nằm trong vùng dịch Covid – 19. Công ty dự kiến, nếu 1 tháng nữa, chính quyền Đài Loan chưa công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội thì sản xuất của nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn vì toàn bộ sản phẩm làm ra đều xuất sang Đài Loan. Công ty đang hy vọng, Đài Loan hết dịch và mở cửa thị trường thì nhà máy sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất và xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Còn nếu như, từ nay đến cuối năm 2020, Đài Loan vẫn chưa công bố hết dịch thì sản xuất của nhà máy sẽ phải cắt giảm công suất sản xuất từ 4 giàn máy xuống còn 2 giàn máy. Số lượng sản phẩm ước giảm trên 50% sản lượng và chỉ đạt khoảng 150/300 tấn sản phẩm xuất khẩu. Khó khăn trên đang đặt ra cho Ban Giám đốc nhà máy mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, tổ chức cải tiến công nghệ, cắt giảm chi phí để duy trì sản xuất. Trước mắt, Công ty sử dụng vốn dự trữ để tiếp tục hoạt động, giữ chân người lao động. Việc tiếp tục duy trì khoảng 50% công suất hoạt động của nhà máy là để doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người lao động, duy trì ổn định sản xuất lâu dài tại Cụm công nghiệp Nam Quang.

Ở Công ty TNHH An Bình sản xuất gỗ nén xuất khẩu có nhà máy sản xuất gỗ nén vê viên công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm. Thời gian trước dịch, nhà máy này liên tục gặp khó khăn về công nghệ và đầu ra của sản phẩm. Hoạt động cầm chừng, thị trường tiêu thụ bấp bênh, năng lực tài chính yếu cộng theo yếu tố bất lợi vì đại dịch Covid -19 buộc Công ty dừng hoạt động trong thời gian khá dài. Đến đầu tháng 5.2020, khi kiểm soát được dịch bệnh, công tác sửa chữa máy móc, công nghệ được đầu tư tu sửa, công việc kết nối thị trường được nối lại, Công ty đã đưa nhà máy tiếp tục sản xuất. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2020, nhà máy sẽ sản xuất, xuất khẩu khoảng 5.000 tấn sản phẩm gỗ vê viên sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngay bên cạnh Công ty An Bình là nhà máy gỗ bóc của Công ty TNHH MTV du lịch Bắc Quang. Tại đây không khí lao động khá sôi nổi. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: Thời điểm hiện nay, nguồn nguyên liệu tại địa bàn hết sức dồi dào, sản lượng gỗ rừng kinh tế được khai thác đáp ứng chế biến, thị trường thu mua gỗ bóc lớn nhất là Trung Quốc đã từng bước mở cửa trở lại, thời tiết nắng nhiều... là những lợi thế để doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất. Tương tự, Nhà máy sản xuất ván Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Thái Hoàng cũng nắm cơ hội thị trường từng bước mở cửa trở lại để mở rộng quy mô sản xuất. Mới đây, Công ty đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất đồng bộ mới, gồm: Hệ thống sấy ván, hệ thống ghép ván, hệ thống pha và tráng keo, hệ thống ép sơ bộ, hệ thống ép nhiệt, hệ thống dán ván mặt. Cả hai hệ thống và dây chuyền sản xuất của nhà máy đang hoạt động hết công suất 3 ca/ngày đêm. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2020, nhà máy sẽ đạt tối đa công suất thiết kế giai đoạn 1 với trên 12.000 m3 sản phẩm ván ép xuất khẩu. Đồng thời, duy trì ổn định công ăn, việc làm cho trên 180 công nhân.

Cụm công nghiệp Nam Quang hiện có 6/7, doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy. Cùng với cơ chế, chính sách gỡ khó kịp thời của Trung ương, của tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo đà cho các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202005/cac-nha-may-trong-cum-cong-nghiep-nam-quang-hoat-dong-tro-lai-760799/