Ngành dược liệu khó giải bài toán tiêu thụ

Ngành dược liệu Việt gặp thách thức trong phát triển các vùng trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng… để tham gia cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu.

Còn nhiều điểm yếu

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu bảo vệ sức khỏe ngày càng cao như sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, sâm bố chính… Tuy nhiên, để phát triển ngành dược liệu có giá trị kinh tế cao, doanh nghiệp sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn về vùng trồng dược liệu, tình trạng sản xuất manh mún…

TS. Hà Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM thông tin, Việt Nam có 5.117 loài dược liệu, phần lớn được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền nhưng số lượng dược liệu để chiết xuất hoạt chất làm thuốc còn ở mức khiêm tốn, chỉ khoảng 50 loài.

Khả năng khai thác dược liệu của Việt Nam còn thấp.

Khả năng khai thác dược liệu của Việt Nam còn thấp.

Ngoài ra, hàng năm, Việt Nam thu hoạch được 10.000 tấn dược liệu nhưng vẫn phải nhập khẩu 40.000 tấn, trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 80%. Có thể thấy, nguồn tài nguyên dược liệu của Việt Nam vẫn chưa được khai thác và phát triển một cách tối ưu nhất.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho rằng, hiện thương hiệu Việt vẫn chưa được biết đến rộng rãi và chưa được tin tưởng vào chất lượng. Một ví dụ điển hình, với sản phẩm mật ong nhân sâm, người tiêu dùng vẫn tìm mua sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc để sử dụng dù nhiều mặt hàng Việt không thua kém về chất lượng. Đây là khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm về dược liệu nói chung và Xuân Nguyên nói riêng.

Cũng với dòng sản phẩm về mật ong, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mật ong đứng thứ 2 ở châu Á và xuất khẩu sang cả Hàn Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Nhưng hiện giá bán ra một sản phẩm mật ong nhân sâm tại Việt Nam chỉ bằng 35 - 40% so với sản phẩm nhập khẩu nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Không chỉ khó chinh phục người tiêu dùng Việt, một trong những lý do dược liệu Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường dược liệu toàn cầu là do phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Theo ông Vũ, hiện tại Xuân Nguyên xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… và đang tìm kiếm đơn vị phân phối sản phẩm vào thị trường người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm đến 90% và sản phẩm có thương hiệu chỉ đạt 10%.

“Con số chênh lệch rất nhiều. Về vùng trồng và tiêu chuẩn, doanh nghiệp đảm bảo đủ chất và lượng. Tuy nhiên, về máy móc thiết bị, hiện công nghệ chế biến sâu tại Việt Nam nói chung và Xuân Nguyên nói riêng vẫn còn hạn chế”, ông Vũ bộc bạch.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, đầu tư xây dựng vùng trồng đã khó khăn nhưng đầu ra lại càng thêm khó hơn. Bà Trần Thị Lành, thành viên Hợp tác xã An Phúc Khang (huyện Quảng Sơn, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi trồng cây sâm đương quy tại tỉnh Đắk Nông, thế nhưng, sau thu hoạch, cơ sở không tìm được đơn vị thu mua, thành phẩm 10 phần nhưng bán ra được 1 - 2 nên không mạnh dạn đầu tư tiếp.”

Doanh nghiệp mong muốn có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu, nhà máy và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Doanh nghiệp mong muốn có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu, nhà máy và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cần chính sách hỗ trợ

Hiện nay, nhu cầu dược liệu của thế giới khoảng 200 - 300 tỷ USD, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tham gia được vào thị trường tiềm năng này. Xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm.

Vì vậy, theo TS. Hà Thị Loan, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, Việt Nam cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung và quy mô đủ lớn. Đồng thời phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới…

Hiện nay, nhằm chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác và hội nhập quốc tế, thông tin và truyền thông… Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp dược Việt Nam tận dụng cơ hội, đẩy mạnh đầu tư để khai thác thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ: “Chỉ riêng việc tiếp cận vốn vay để đầu tư cho vùng trồng và sản xuất đã rất khó khăn. Xuân Nguyên hiện không thể vay vốn tại các ngân hàng của TP.HCM do tài sản thế chấp là các vùng trồng dược liệu, nông sản ở địa phương. Vì vậy, giải pháp duy nhất của chúng tôi là tiếp cận vốn theo hình thức cá nhân với lãi suất cao, không có ưu đãi…”

Để tăng khả năng thâm nhập vào thị trường, hiện Xuân Nguyên đã đầu tư bài bản từ nhà máy sản xuất, vùng nguyên liệu với hướng sản xuất mới. Cụ thể, quý IV/2024, doanh nghiệp sẽ đưa vào vận hành một nhà máy mới nhằm tập trung phát triển 6 dòng sản phẩm nước giải khát theo dạng đóng lon. Trong đó có các dòng sản phẩm về dược liệu được làm mới từ sản phẩm cô đặc trước đó như: Mật ong nhân sâm, đông trùng hạ thảo mật ong.

“Vì vậy, chúng tôi rất mong các Sở, ban ngành có chính sách hỗ trợ về vốn, truyền thông thương hiệu dược mang tầm quốc gia để doanh nghiệp Việt tăng khả năng cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế”, ông Vũ kì vọng.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-duoc-lieu-kho-giai-bai-toan-tieu-thu-d219949.html