Các nhà ngoại giao nữ: Những nhân tố đặc biệt trong thực hiện khát vọng của nhân loại
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các nhà ngoại giao nữ đến từ các nền văn hóa khác nhau sẽ là những nhân tố đặc biệt trong việc thực hiện khát vọng của của nhân loại về một thế giới hòa bình, công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân gặp mặt các nữ Đại sứ, Phó Đại sứ, nữ Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao 24/6. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Tối 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp mặt các nữ Đại sứ, Phó Đại sứ, nữ Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao 24/6.
Tham dự buổi gặp mặt có hơn 80 nhà ngoại giao nữ là Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà ngoại giao nữ trong ngành Ngoại giao Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng các nhà ngoại giao nữ. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Việt Nam – 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất việc trao quyền cho phụ nữ
Tại buổi gặp mặt, các nhà ngoại giao nữ bày tỏ xúc động khi được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao, qua đó khẳng định sự ghi nhận và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, nhà nước, đối với bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, đối với ngành ngoại giao và với các nhà ngoại giao nữ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng được trở thành một nhà ngoại giao nữ, được cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại thực sự là niềm tự hào và có ý nghĩa rất thiêng liêng.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hành trang để mỗi nhà ngoại giao nữ khi bước ra chính trường quốc tế chính là truyền thống lịch sử, là cốt cách văn hóa, là lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc.
“Ngoài hành trang trên, kiến thức và trí tuệ, thì sự khéo léo, tinh tế, lòng nhân hậu, bao dung, đức hy sinh, sự mềm mỏng, lo toan, nhưng cũng bản lĩnh, cương quyết của người phụ nữ, cũng tạo nên những thế mạnh riêng, những sức mạnh mềm để các nhà ngoại giao nữ có thể có những đóng góp giá trị và ý nghĩa cho hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nói.

Các nhà ngoại giao nữ tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Có lẽ chính vì ý nghĩa đó mà Liên hợp quốc đã chọn một ngày để dành riêng cho những người phụ nữ trong lĩnh vực Ngoại giao.
Còn theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà cũng là nữ Thứ trưởng đầu tiên của ngành chia sẻ, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam rất vinh dự được đứng trong đội ngũ của thế hệ ngoại giao, thời đại ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trong hành trình 80 năm qua, qua rất nhiều thế hệ, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam đã có nhiều bước trưởng thành vượt bậc, góp phần tích cực và đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cũng là nữ Thứ trưởng đầu tiên của ngành. (Ảnh: Hoàng Hồng)
“Chúng tôi noi gương các nhà ngoại giao, những tấm gương tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Bình, bà Phan Thị Phúc, bà Hồ Thể Lan…Các nhân viên, các cán bộ, rất nhiều ngành về đối ngoại đang tận tụy, cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Đánh giá Việt Nam được là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16%.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Cũng theo bà, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện nay của Việt Nam là 30 %, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Việt Nam đang tiến hành cải cách lớn trong lịch sử, điều quan trọng là đảm bảo phụ nữ tham gia đầy đủ trong quá trình tái cơ cấu chính quyền. Việc sáp nhập tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp chúng ta phải làm thế nào để sự tham gia của phụ nữ vẫn được duy trì.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm phụ nữ bầu vào đại biểu dân cử tại 34 tỉnh, thành mới. Với vai trò lãnh đạo như vậy sẽ thể hiện hơn vai trò của phụ nữ Việt Nam trong ngoại giao, sự tham gia của phụ nữ Việt Nam ở tất cả các cấp hoạch định chính sách sẽ giúp Việt Nam có bước tiến vững chắc tiến tới tương lai bền vững”.

Đại sứ Romania tại Việt Nam bà Cristina Romila. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Với bà Cristina Romila, Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện, luôn khuyến khích phụ nữ tham gia mọi lĩnh vực, ngành nghề. Sau 4 năm công tác, bà tràn đầy ký ức sâu sắc không thể quên, sự chân thành đối với Việt Nam. “Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình”, nữ Đại sứ Romania tại Việt Nam nói.
Bà khẳng định mạnh mẽ rằng, Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp, đáng khám phá mà còn là một xã hội cực kỳ thân thiện, cởi mở, tiến bộ đối với phụ nữ. Điều này giúp bà tin tưởng bà có tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Romania…
Thể hiện tài năng, bản lĩnh góp để thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển
Lắng nghe những chia sẻ, trong không khí phấn khởi, ấm cúng, chân tình nhân, bày tỏ vui mừng gặp mặt các nhà ngoại giao nữ Việt Nam và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến các nhà ngoại giao nữ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp mặt các nhà ngoại giao nữ Việt Nam và quốc tế. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Thủ tướng nhấn mạnh, trong văn hóa Việt Nam, trong gia đình, người phụ nữ có vai trò trụ cột, quan trọng nhất. Phụ nữ Việt Nam luôn được coi trọng, được tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với tất cả các công việc của xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh, 80 năm Ngày truyền thống ngành ngoại giao và đang kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao (24/6) của Liên hợp quốc để ôn lại truyền thống hào hùng của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung, những người phụ nữ làm ngoại giao nói riêng.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam rất coi trọng sự đóng góp của phụ nữ và có nhiều nữ anh hùng. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Nhắc lại hoàn cảnh đất nước những năm tháng chiến tranh ác liệt, nêu bật những thành tựu 40 năm đất nước đổi mới, Thủ tướng khẳng định trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng, bảo vệ đất nước có sự hy sinh, nỗ lực, đóng góp, cống hiến quan trọng của người phụ nữ Việt Nam, những nhà ngoại giao nữ cho độc lập, tự do, ấm no của đất nước, nhân dân.
Đồng thời bày tỏ tự hào khi lịch sử Việt Nam với những nhà nữ ngoại giao tiên phong, đặc biệt là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Bà đã trở thành một đại diện của trí tuệ ngoại giao nữ, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà ngoại giao nữ. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV hiện nay của Việt Nam là 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN.
Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16%. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có 2 ngày trong năm để tôn vinh phụ nữ - Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các nhà ngoại giao nữ. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Thủ tướng mong muốn các chị, các em khỏe mạnh, tiếp tục cống hiến cho đất nước mình, cho sự nghiệp ngoại giao của thế giới cũng như mỗi nước.
“Tôi mong các nhà ngoại giao nữ tiếp tục đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi các đoàn kết quốc tế để đối phó với tình hình thế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp, rất khó lường, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu bao trùm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Phu nhân Thủ tướng, bà Lê Thị Bích Trân trò chuyện cùng các nhà ngoại giao nữ. (Ảnh: Hoàng Hồng)
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao tạo điều kiện hơn nữa cho các nữ ngoại làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về tấm lòng, trái tim, tình cảm của người phụ nữ làm ngoại giao; đồng thời mỗi nhà ngoại giao nữ cần thể hiện tài năng, bản lĩnh để cùng nhau góp phần đưa thế giới vững bước trên con đường hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng tin tưởng các nhà ngoại giao nữ đến từ các nền văn hóa, các khu vực trên thế giới sẽ là những nhân tố đặc biệt, đóng góp quan trọng để hiện thực hóa khát vọng của nhân loại về một thế giới hòa bình, công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc.