Những khối bê tông đắt đỏ

Cả ngàn tỷ đồng ngân sách - phần lớn là tiền thuế của dân - đã được rót vào hai dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức - cơ sở 2.

Nhưng sau một thập kỷ, cái còn lại chỉ là công trình bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục đắp chiếu, bệnh nhân thì không một ai.

Bước đầu cơ quan chức năng nhận định, thất thoát và lãng phí hơn 1.200 tỷ đồng từ đầu tư công không phải chuyện nhỏ. Nó là kết quả của sự vô trách nhiệm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, từ khâu phê duyệt, thiết kế, đến giám sát và thực hiện. Nó là lỗ hổng khổng lồ trong quản lý tài sản công - nơi mà tham nhũng và lợi ích nhóm mặc sức tung hoành, để lại những “di tích đắt giá” giữa lòng đất nước đang khao khát phát triển.

Trong khi người dân khốn khổ vì giá khám chữa bệnh tăng cao, hệ thống y tế công quá tải, thì một bệnh viện “nghìn giường, tiêu chuẩn quốc tế” lại bị khóa cửa không thể vận hành. Đó không chỉ là sự lãng phí, mà là sự tàn nhẫn.

Tiền thuế của dân - đáng lẽ dùng để cứu người, mua thuốc, đào tạo bác sĩ - lại bị biến thành những khối bê tông nằm chết lâm sàng. Đó là dấu hiệu rõ ràng của một căn bệnh mạn tính trong đầu tư công kéo dài trong một thời điểm vừa qua: không minh bạch, không trách nhiệm, và không ai bị xử lý đến nơi đến chốn.

Việc Bộ Công an khởi tố 5 bị can là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Không thể dừng lại ở những cán bộ trung gian mà phải truy tới cùng trách nhiệm của những người phê duyệt và buông lỏng quản lý cấp cao. Càng không thể để những người đã từng ký hàng loạt văn bản sai trái, khiến ngàn tỷ bốc hơi, tiếp tục đứng ngoài vòng pháp luật.

Đây không phải là vụ việc riêng lẻ. Nó là một ví dụ điển hình cho cách đầu tư công bị lạm dụng, trở thành miếng mồi béo bở cho một số nhóm lợi ích, trong khi đất nước vẫn nghèo, người dân vẫn loay hoay trong viện phí, bảo hiểm y tế, và gánh nặng mưu sinh.

Đã đến lúc phải siết chặt kỷ luật đầu tư công. Mỗi đồng ngân sách phải được coi như giọt máu của dân - chi sai là có tội, làm thất thoát là có tội lớn. Không thể để những “khối u” như thế nằm sừng sững giữa lòng xã hội mà không ai chịu trách nhiệm rốt ráo.

Câu hỏi đặt ra là: ai đã ký, ai đã buông lỏng giám sát, để truy trách nhiệm đến cùng? Cơ chế nào cho phép hàng ngàn tỷ ngân sách bị thổi bay như cơn gió, trong khi người dân chắt chiu từng đồng đóng thuế? Và còn bao nhiêu “cục nợ” khác đang nằm chờ trở thành di sản của sự bất lực và vô cảm?

Chúng ta không chỉ cần xử lý hình sự. Chúng ta cần thay đổi tận gốc tư duy: từ “tư duy nhiệm kỳ” sang “tư duy phụng sự”. Từ tư duy “làm dự án” sang tư duy “làm cho dân” hiệu quả và bền vững.

Nếu không, đất nước sẽ mãi gánh trên lưng những khối bê tông đắt đỏ và những nỗi đau dài dằng dặc của nhân dân.

K.Yên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-khoi-be-tong-dat-do-post1759198.tpo