Các nhà nhập khẩu châu Á tăng cường bổ sung kho dự trữ dầu cọ

Các nhà nhập khẩu châu Á đang tăng cường mua dầu cọ để bổ sung kho dự trữ sau khi giá mặt hàng này được điều chỉnh xuống mức thấp nhất trong một năm và Indonesia tạm loại bỏ thuế xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch cọ tại tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nông dân thu hoạch cọ tại tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu cọ thường được chiết khấu đáng kể so với dầu su su và sunoil, song việc hạn chế xuất khẩu của Indonesia đã khiến giá dầu cọ đắt hơn các đối thủ trong một thời gian ngắn. Giám đốc điều hành công ty tư vấn và môi giới dầu thực vật Sunvin Group Sandeep Bajoria nhận định việc điều chỉnh này khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn.

Hiện dầu cọ thô ở Ấn Độ đang được chào ở mức 1,062 USD/tấn bao gồm chi phí, bảo hiểm và cước phí (CIF) cho các lô hàng trong tháng 8, so với mức 1,417 USD và 1,550 USD lần lượt đối với dầu thô và dầu hướng dương. Ấn Độ, nước mua dầu cọ lớn nhất thế giới, có thể nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn dầu cọ trong quý III.

Trao đổi với báo giới, ông Sudhakar Desai, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật Ấn Độ (IVPA), cho biết: "Tình trạng biến động giá cao trong vài tuần qua đã khiến các nhà máy lọc dầu, nhà phân phối và nhà bán buôn cắt giảm lượng mua, dẫn đến lượng hàng đang trong quá trình vận chuyển và phân phối thấp đi....Việc điều chỉnh giá hiện tại đang mang lại cơ hội mua cho các nhà máy lọc dầu".

Trước đó, ngày 16/7, Bộ Tài chính Indonesia cho biết nước này đã hủy bỏ thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm dầu cọ đến ngày 31/8 tới. Đây là nỗ lực mới nhất của Indonesia nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.

Quyết định trên của Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, có thể khiến giá mặt hàng này tiếp tục giảm sau khi đã giảm khoảng 50% kể từ cuối tháng 4 năm nay xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Một quan chức thuộc Bộ Tài chính Indonesia cho rằng việc tạm miễn thuế xuất khẩu tất cả các sản phẩm dầu cọ nói trên là nhằm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu nhưng sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu của chính phủ.

Dầu cọ được sử dụng nhiều trong thực phẩm chế biến như mì gói và bánh nướng. Sản phẩm này cũng có mặt trong các sản phẩm tiêu dùng khác, chẳng hạn như các mặt hàng chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm./.

Phương Oanh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nha-nhap-khau-chau-a-tang-cuong-bo-sung-kho-du-tru-dau-co/251638.html