Các nhà phân tích lo ngại về suy thoái nếu giá dầu tiếp tục đi sâu vào 'vùng lãnh địa chưa từng có'

CNBC ngày 9/3/2022 đưa ý kiến của các nhà phân tích Mỹ lo ngại lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu mỏ của Nga có thể làm trầm trọng thêm việc tăng giá dầu và thực phẩm vốn đã tăng vọt, và điều đó có thể gây ra suy thoái nếu giá cả tiếp tục leo thang. Vừa qua, giá dầu đã tăng vọt, tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Các kho chứa dầu tại mỏ dầu Salym, Tây Siberia, Nga. Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Các kho chứa dầu tại mỏ dầu Salym, Tây Siberia, Nga. Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Hôm thứ Ba, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng hóa thạch của Nga, dầu thô của Mỹ đã giao dịch trên 128 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng trên 130 USD trước khi chốt lời. Anh và Liên minh châu Âu cũng cho biết sẽ loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Chủ tịch Lipow Oil Associates Andy Lipow, cho biết nếu Nga trả đũa bằng cách từ chối cung cấp dầu cho châu Âu, điều đó có thể “dễ dàng” khiến giá dầu tăng thêm 20 - 30 USD/thùng. Phát biểu với CNBC hôm thứ Tư, Andy Lipow cho biết: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là những mức giá này đã tăng nhanh đến mức có thể gây ra suy thoái ở châu Âu và Mỹ Latinh, kéo theo cả Mỹ, và cuối cùng là ảnh hưởng đến khả năng bán hàng tiêu dùng của Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới”.

Hôm thứ Hai, nhà kinh tế hàng hóa chính tại Capital Economics Caroline Bain đã viết trong một ghi chú rằng trong trường hợp xấu nhất, một lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu năng lượng của Nga ở tất cả các quốc gia tiêu thụ lớn sẽ “làm giảm nghiêm trọng và gián đoạn nguồn cung năng lượng,” đẩy giá dầu tiếp tục tăng, đi sâu vào “vùng lãnh địa chưa từng có”. Chuyên gia kinh tế này cho rằng lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ kết thúc năm 2022 ở mức khoảng 5% so với mức 2,4% được dự báo trước đó, và tác động của việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình và việc phân bổ lại quyền lực ở châu Âu sẽ đẩy khu vực đồng Euro vào suy thoái.

Khả năng sắp xếp lại dòng chảy dầu, giảm tình trạng thắt chặt nguồn cung

Theo thống kê của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu, 17% lượng khí đốt toàn cầu và 40% lượng tiêu thụ khí đốt ở Tây Âu vào năm 2021.

Việc tìm nguồn cung thay thế cho dầu và khí đốt từ Nga là không dễ dàng đối với các nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Nord Stream 2/Skynews/AP.

Việc tìm nguồn cung thay thế cho dầu và khí đốt từ Nga là không dễ dàng đối với các nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Nord Stream 2/Skynews/AP.

Theo Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs, về lý thuyết, dòng chảy dầu có thể được sắp xếp lại để giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung ở phương Tây nhưng trên thực tế, việc sắp xếp lại có thể không hiệu quả. Jan Hatzius cho rằng “nếu các nước phương Tây mua ít hơn dầu của Nga, về nguyên tắc, Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua nhiều hơn dầu của Nga và giảm mua tương ứng với lượng dầu khác của Ả Rập Xê-út và các nước khác, sau đó lượng dầu này có thể chảy sang phương Tây”.

Tuy nhiên, việc “sắp xếp lại” này sẽ không dễ dàng, không chỉ vì chi phí vận tải tăng và các vấn đề thu xếp kỹ thuật khác, mà còn vì Trung Quốc và Ấn Độ có thể không sẵn sàng tăng mạnh nhập khẩu và các khoản thanh toán tương ứng vào thời điểm mà Nga đang trở thành một nước bị cấm vận toàn cầu.

Phản ánh những lo ngại đó, giá dầu đã tăng hơn 20 USD/thùng và Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng có khả năng giá dầu sẽ tăng thêm. Jan Hatzius cho biết Goldman Sachs ước tính nếu cú sốc giá dầu tăng 20 USD kéo dài, sẽ làm giảm GDP thực tế xuống 0,6% trong khu vực đồng Euro và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng.

Phát biểu với CNBC hôm thứ Tư, nhà phân tích dầu hàng đầu tại Kpler Matt Smith cho rằng “các biện pháp tự cấm vận” cũng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực trên thị trường năng lượng. Trước khi các lệnh cấm vận được công bố, đã có rất nhiều công ty Mỹ e ngại, chùn bước với ý tưởng mua các sản phẩm dầu thô của Nga. Matt Smith cho biết việc mua bán thực sự đã bị dừng lại, “ việc tự cấm vận đang có nhiều tác động như chính các biện pháp cấm vận.”/.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-nha-phan-tich-lo-ngai-ve-suy-thoai-neu-gia-dau-tiep-tuc-di-sau-vao-vung-lanh-dia-chua-tung-co-644422.html