Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hưởng lợi thế nào trước xung đột Nga - Ukraine?

Việc Nga tấn công Ukraine có thể giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được hưởng lợi kh..

Volkswagen, BMW, Hyundai và Toyota là một trong số các nhà sản xuất ô tô đã ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Nga sau khi các chính phủ phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này trước xung đột với Ukraine. Những hãng khác bao gồm Porsche và Bentley cũng đã ngừng xuất khẩu sang Nga.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang hoạt động tại Nga cho đến nay vẫn giữ im lặng về việc liệu họ có tiếp tục kinh doanh tại nước này hay không.

Nga đã trở thành một thị trường quan trọng đối với các thương hiệu Trung Quốc bao gồm Great Wall Haval, cùng với Chery và Geely, chủ yếu để bán xe SUV.

"Trong trường hợp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga kéo dài trong một thời gian dài và các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu bị cấm kinh doanh tại Nga, thì có khả năng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ giành được thị phần tại thị trường Nga", Eunice Lee , nhà phân tích cấp cao tập trung vào ô tô châu Á tại ngân hàng Bernstein, cho biết trong một báo cáo.

Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cho phép các doanh nghiệp của nước này tiếp tục hoạt động.

Geely cho biết hoạt động kinh doanh tại Nga của họ "về cơ bản đã dừng lại" trong một tuyên bố với Automotive News Europe nhưng không giải thích thêm về điều đó có nghĩa là gì.

Thông tin từ Bernstein cho biết, xuất khẩu xe từ Trung Quốc sang Nga tăng gấp 3 lần lên 122.800 vào năm 2021 từ 42.700 vào năm 2020.

Great Wall sản xuất xe ở Nga trong một nhà máy ở bang Tula, gần Moscow, trong khi Geely có một nhà máy ở Belarus liên kết với Nga. Còn Chery đã đàm phán với một nhà máy địa phương để lắp ráp ô tô ở Nga.

Năm ngoái, 18% trong tổng số 1,67 triệu xe hạng nhẹ bán ra ở Nga được nhập khẩu, phần còn lại được sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) có trụ sở tại Moscow, Haval là thương hiệu bán chạy thứ 12 của Nga vào năm 2021 với doanh số 39.126. Chery đứng thứ 13 với 37.118 chiếc và Geely đứng thứ 16 với 24.587 chiếc.

Trong tháng 2, Haval và Chery lần lượt là thương hiệu bán chạy thứ 10 và 11. Geely đứng thứ 13, trong khi thương hiệu hạng sang Chery Exceed của Chery đứng thứ 19 trước Lexus của Toyota. Mẫu SUV cỡ nhỏ Haval Jolion là mẫu xe bán chạy thứ 16.

AvtoVAZ thuộc sở hữu của Renault dẫn đầu thị trường với thương hiệu Lada sản xuất trong nước, chiếm 24% thị phần vào tháng 2. Kia đứng thứ hai với thị phần 13,8%.

Renault không công khai thảo luận về chiến lược của mình tại Nga, thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu, nhưng các lựa chọn của họ đều không khả quan vì sản xuất bị sụp đổ.

Nhà phân tích Philippe Houchois của Jefferies nói với Bloomberg: “Sẽ là hoàn toàn hợp lý nếu Renault xem xét rút lui khỏi AvtoVAZ. Renault có thể chịu lỗ, nhưng rút lui sẽ là một quyết định khó khăn”.

Minh Long -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-nha-san-xuat-o-to-trung-quoc-huong-loi-the-nao-truoc-xung-dot-nga-ukraine.htm