Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ hưởng lợi nhờ căng thẳng với Nga
Hai trong số các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ cho biết mối quan hệ xấu giữa Nga và phương Tây cùng rủi ro về cuộc chiến ở Đông Âu sẽ giúp họ kiếm bộn tiền nhờ đưa vũ khí ra nước ngoài.
Theo đài RT, khi Mỹ chi ngày càng nhiều tiền cho các thiết bị quân sự để gửi cho Ukraine, tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin đã thông báo với các nhà đầu tư trong tuần này rằng leo thang trong khu vực sẽ mang lại lợi nhuận cho họ.
Ngày 25/1, Giám đốc điều hành Raytheon, ông Greg Hayes cho biết: “Chúng ta chỉ cần nhìn vào tuần trước, chúng ta đã chứng kiến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở UAE. Và tất nhiên, căng thẳng ở Đông Âu, căng thẳng ở Biển Đông, tất cả những điều này đang gây áp lực lên chi tiêu quốc phòng ở đó. Vì vậy, tôi hoàn toàn mong đợi chúng ta sẽ có một số lợi ích từ đây”.
Cùng ngày, ông Jim Taiclet, Giám đốc điều hành của Lockheed Martin, cũng đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư rằng khả năng Mỹ can dự sâu hơn vào Đông Âu sẽ rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào mối đe dọa đang gia tăng và cách tiếp cận mà một số quốc gia đang thực hiện, gồm Triều Tiên, Iran, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, có một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn liên quan quốc phòng và các mối đe dọa với quốc phòng. Lịch sử Mỹ cho thấy khi tình hình này phát triển, chúng ta không ngồi một chỗ và chỉ nhìn nó diễn ra. Tôi cho rằng mối đe dọa đang gia tăng và chúng ta cần có khả năng đáp ứng nhu cầu”.
Ngày 26/1, ông Brian West, Giám đốc tài chính của nhà thầu hàng không và vũ khí Boeing, không đề cập trực tiếp đến Ukraine và Nga, nhưng thừa nhận rằng khi hai đảng ở Mỹ ủng hộ mạnh mẽ chi tiêu quân sự thì công ty nhận thấy nhu cầu ổn định.
Theo Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown, ngành vũ khí đã chi 2,5 tỷ USD cho hoạt động vận động hành lang trong hai thập kỷ qua, trung bình tuyển dụng trên 700 nhà vận động hành lang mỗi năm. Chi tiêu của Lầu Năm Góc đã vượt quá 14.000 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Afghanistan, và 1/3 đến 1/2 số tiền đó đã vào túi các nhà thầu quân sự.
Trong những năm 1990, các nhà sản xuất vũ khí đã chi hàng chục triệu USD vận động hành lang để mở rộng NATO sang Đông Âu sau khi ngành vũ khí suy yếu vì Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine đã gia tăng trong nhiều tháng. Các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược đối với nước láng giềng khi trên 100.000 binh sĩ Nga đã tập trung gần biên giới chung. Nga đã phủ nhận có ý định gây hấn và kêu gọi thiết lập các thỏa thuận an ninh để cấm NATO mở rộng sang Ukraine hoặc Gruzia. Lời kêu gọi này bị Mỹ bác bỏ, coi là vấn đề không thể đàm phán.