Các 'nhà vàng' kinh doanh ra sao trong 'cơn bão giá vàng'

Giá vàng trong nước liên tục tăng kể từ 2023 đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao. Nhờ đó, các 'ông lớn' kinh doanh vàng có kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn đầy biến động khiến doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bức tranh không sáng

Với diễn biến giá vàng trong nước liên tục leo thang, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đã có kết quả kinh doanh khởi sắc. Đơn cử như ông lớn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần tăng hơn 33% là 16.049 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu đạt 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 6%. Sau 4 tháng, PNJ đã hoàn thành được hơn 43% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh đó, mới đây, SJC cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với nhiều dấu hiệu tích cực. Năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với năm 2022, từ 27.153 tỷ đồng lên 28.408 tỷ đồng. Lợi trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của SJC tăng 27% và 24% so với năm 2022 lần lượt là 87,5 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của SJC năm 2023 vượt kế hoạch kinh doanh đề ra 7%, doanh thu giảm 5,8% so với kế hoạch.

SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo Doji. Ảnh: PNJ.

SJC lãi mỏng, lợi nhuận PNJ áp đảo Doji. Ảnh: PNJ.

Tại Công ty TNHH Bảo tín Minh Châu, doanh thu thuần của công ty kết thúc năm 2023 là 1.401 tỷ đồng, tăng 31% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Bảo tín Minh Châu đều tăng nhẹ 9% so với năm ngoái lần lượt là hơn 5,5 tỷ đồng và hơn 4,4 tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực thì còn có những doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, tại Công ty CP Đầu tư vàng bạc Phú Quý, doanh thu năm 2023 giảm 26% so với năm 2022, từ 3.057 tỷ đồng xuống còn 2.272 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Vàng bạc Phú Quý giảm sâu 74% và 75% lần lượt là 12,6 tỷ đồng và 9,2 tỷ đồng.

Tại bảng cân đối kế toán, các khoản phải thu ngắn hạn và các khoản phải thu dài hạn tăng đột biến so với số liệu đầu năm 2023 lần lượt là từ 2,5 tỷ đồng lên 137 tỷ đồng và từ 1,4 tỷ đồng lên 88,8 tỷ đồng. Về nợ phải trả, nợ ngắn hạn của Vàng bạc Phú Quý giảm nhẹ 3,8% còn gần 65 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh so với số đầu năm từ 507 triệu đồng, lên 28,5 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phát sinh 30 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Trước diễn biến giá vàng trên thị trường liên tục "nhảy múa", nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp có lợi nhuận không mấy khả quan khi phải đối mặt với những khó khăn đến từ khan hiếm nguồn vàng, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu tăng cao.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vàng bạc Phú Quý tăng nhẹ so với số đầu năm từ 635 tỷ đồng lên 642 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ năm 2023 là 94,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng có kết quả kinh doanh năm 2023 không mấy khả quan. Doanh thu của Doji giảm gần 2% so với năm 2022, từ 77.191 tỷ đồng xuống còn 75.778 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của Doji năm 2023 giảm 20% và 17,5% lần lượt là 727 tỷ đồng và 718 tỷ đồng.

Tại bảng cân đối kế toán, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Doji theo số liệu tại ngày 31/12/2023 tăng hơn 1 tỷ đồng so với số đầu năm là 20,4 tỷ đồng. Về nợ phải trả, tổng nợ phải trả của Doji tăng 2% so với số đầu năm 2023. Trong đó, nợ phải trả chiếm 88,8% tổng nợ phải trả. Bên cạnh đó, trong nợ phải trả ngắn hạn phát sinh thêm doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn là 21,3 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn tăng mạnh hơn 3,5 lần so với số đầu năm từ 642 tỷ đồng, lên 2.344 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Doji là 14.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với số đầu năm. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Doji là 125 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm 2022.

Liệu có “ăn nên làm ra” khi vàng “bão giá”

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng trong nước liên tục leo thang. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nguồn cung vàng trong nước chưa đáp ứng đủ cầu cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tiếp tục chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế khi người dân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào vàng với tâm lý vàng là kênh trú ẩn an toàn khiến tình trạng khan hiếm vàng càng tăng thêm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước, tăng 17,01% so với tháng 12/2023, tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%. Tính đến thời điểm ngày 15/5 vừa qua, giá vàng trong nước tiếp tục ghi nhận giá vàng tăng lên đến 90 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC.

Nhu cầu vàng lớn hơn cung là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến bất bình thường của thị trường vàng trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Nhu cầu vàng lớn hơn cung là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến bất bình thường của thị trường vàng trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, giá vàng thế giới trong thời gian qua có nhiều biến động và có xu hướng tăng cao cũng là nguyên dân dẫn đến việc giá vàng trong nước tăng.

Ngoài ra, trong những tháng của nửa đầu năm 2024 diễn ra tình trạng chênh lệch mua - bán vàng trong nước ở mức cao từ 2,5 - 3 triệu đồng/lượng.

Đối với người dân, việc giá vàng trong nước liên tục tăng, chênh lệch mua - bán vàng ở mức cao, người dân phải đối mặt với rủi ro bị lỗ mua đắt bán rẻ. Trước tình trạng này, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư hết sức thận trọng. Giá vàng đang ở đỉnh, nếu mua vào thời gian này rất dễ rủi ro, tỷ lệ sinh lời không cao như thời điểm trước đó. Đặc biệt với những người đầu tư vàng ngắn hạn trong thời điểm này sẽ vô cùng rủi ro.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, dựa trên diễn biến thị trường và theo báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vàng lớn trong nước có thể thấy rằng, giữa bối cảnh thị trường vàng nhiều biến động cũng như giá vàng trong nước liên tục tăng, có những doanh nghiệp được hưởng lợi khi doanh thu tăng.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn khi giá vàng tăng cao, khan hiếm nguồn cung vàng khiến cho việc sản xuất và kinh doanh vàng gặp khó khăn. Điều này cũng dẫn đến tình trạng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Nhằm hướng đến minh bạch thị trường vàng, ngành Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời, quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Theo đó, ngày 23/5 vừa qua, NHNN đã tổ chức công bố thanh tra việc việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vàng, phòng chống rửa tiền, chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), và Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

Diệu Khiết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-nha-vang-kinh-doanh-ra-sao-trong-con-bao-gia-vang-151563.html