Các nhạc sĩ nói gì về việc Quốc ca bị ngắt trong trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào

Sự việc bài hát Tiến quân ca-Quốc ca bị ngắt trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào vừa qua đã khiến nhiều nhạc sĩ và công chúng bất bình.

Đây là lần đầu tiên khán giả xem tường thuật trận đấu thể thao mang tầm quốc tế trên các nền tảng xã hội không được xem các cầu thủ hát Quốc ca vì lý do bản quyền. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích đăng ý kiến của các nhạc sĩ về vấn đề này.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Quốc ca là điều vô cùng thiêng liêng nên không ai có quyền xâm phạm

Tôi cho rằng, không một cá nhân hay tổ chức nào được phép làm như vậy với Quốc ca, cho dù với bất cứ lý do gì. Quốc ca thuộc phạm vi chủ quyền của đất nước. Do đó việc ngắt tiếng bài hát này trong sự kiện thể thao là việc làm không thể chấp nhận. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và không để tái diễn câu chuyện này một lần nữa.

 Nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Câu chuyện “đánh gậy” bản quyền Quốc ca không chỉ khiến cho văn nghệ sĩ mà tất cả mọi người, toàn quân, toàn dân cảm thấy rất bức xúc vì không ai được phép xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thông qua các hình thức cắt đi, ngắt đi, nhất là trong giờ phút hết sức thiêng liêng trước trận đấu.

Rõ ràng đây là hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực âm nhạc. Ca khúc Tiến quân ca thì ca từ thấm đẫm cả xương máu của biết bao thế hệ người Việt. Điều này là vô cùng thiêng liêng nên không ai có quyền xâm phạm.

Nhạc sĩ Lân Cường: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có bản thu thống nhất cho Quốc ca

Bài hát Tiến quân ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao trao cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.

Nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngay sau khi Quốc hội đã quyết định lấy Tiến quân ca làm Quốc ca chính thức đã xuất hiện rất nhiều bản sao không có sự thống nhất chung. Hát cũng vậy, người hát chậm, người hát nhanh. Do đó, chúng ta phải có đĩa hát thống nhất toàn quốc về lời để vào những dịp lễ kỷ niệm, mọi người có thể hát theo. Tôi nghĩ việc này phải làm ngay từ lúc ấy. Còn bây giờ đã lỡ rồi thì phải làm lại. Như vậy sẽ không vướng phải những tranh chấp không đáng có.

Nhạc sĩ An Hiếu: Phải sử dụng Dàn nhạc Giao hưởng để làm một bản Quốc ca thật hay, bề thế, thể hiện đúng sức vóc của bài hát

Tôi cho rằng, cho dù là bất cứ lý do gì thì việc ngắt tiếng Quốc ca giữa chừng như thế là điều không thể chấp nhận. Điều này một phần trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Rõ ràng, cần thiết phải có một bản chuẩn nhạc dùng cho nghi lễ mang tính quốc gia. Trong đó có nhạc quốc ca và nhạc sử dụng trong các nghi lễ, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài…

Nên chăng những tác phẩm đó thì Nhà nước phải quản lý hết, như Tiến quân ca được gia đình nhạc sĩ trao tặng thì Nhà nước quản lý là đương nhiên.

 Nhạc sĩ An Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ An Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn với những tác phẩm khác, tôi cho rằng các nhạc sĩ sẽ đồng ý khi Nhà nước mua lại bản quyền, đầu tư xây dựng thành một bản chuẩn. Có nghĩa là bản nhạc mẫu vang lên đã là bản chuẩn và đương nhiên chỉ có một bài đó thôi mà không phải phối khí nhiều loại bản khác.

Tôi thấy trong sự kiện thể thao lớn như vậy mà để xảy ra tình trạng này thì thật sự không hay. Đối với những nhạc sĩ như chúng tôi đã cảm thấy bức xúc thì đương nhiên quần chúng nhân dân càng cảm thấy bất bình. Có những người không hiểu sẽ suy diễn sang cả những vấn đề khác, ảnh hưởng đến tinh thần tự hào của dân tộc. Cho dù là chương trình phát trên các nền tảng xã hội thì điều này cũng không được phép.

Trong thời đại 4.0 thì không phải ai lúc nào cũng ngồi trước tivi để xem. Bản thân tôi trong trận bóng đá đó cũng xem trên Ipad. Bây giờ mọi người hầu như xem trên điện thoại, đó là kênh thông tin hữu dụng. Hằng ngày đa phần chúng ta nghe nhạc và xem giải trí đều bằng điện thoại, chứ không phải ai cũng ngồi trước tivi cả ngày.

Tôi cho rằng, bài Quốc ca có thể phối hợp, sử dụng cả Dàn nhạc Giao hưởng, làm sao cho thật hay, thật bề thế, thể hiện đúng sức vóc của bài hát Quốc ca. Sau đó phân cho các cơ quan đoàn thể và kể cả khi ra nước ngoài thì thống nhất chỉ sử dụng bản đó là bản chuẩn. Lúc đó, Nhà nước sẽ nắm bản quyền.

Đương nhiên, khi Nhà nước nắm bản quyền, cơ quan quản lý nắm bản quyền rồi thì những cá nhân, tổ chức khác không được khai thác sử dụng bừa bãi. Bài hát khi đó được mở miễn phí cho tất cả mọi người cùng nghe và miễn phí cho mọi người sử dụng.

Nhạc sĩ Huyền Ngọc: Nên có một bản chuẩn Quốc ca

Quốc ca mang quốc hồn, quốc túy của dân tộc và bài hát đã được gia đình tác giả hiến tặng cho đất nước.

Trong tất cả các hội nghị lớn, nhỏ của đất nước và các ban, ngành đều sử dụng bài hát Quốc ca cho phần nghi lễ chào cờ. Khi âm nhạc của bài Tiến quân ca vang lên thì mang trong đó điều vô cùng thiêng liêng, thể hiện tình yêu của người dân Việt Nam với dân tộc.

 Nhạc sĩ Huyền Ngọc

Nhạc sĩ Huyền Ngọc

Trước khi các chương trình diễn ra, Ban tổ chức thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cẩn trọng cho bài hát Quốc ca, không bao giờ để xảy ra trục trặc nào. Vì thế, sự kiện thể thao lớn như vậy mà Quốc ca bị ngắt tiếng thì không phải chỉ các nhạc sĩ mà người dân bình thường cũng cảm thấy bất bình.

Là một nhạc sĩ Quân đội, tôi đã chứng kiến các quang cảnh lễ chào cờ vô cùng thiêng liêng của các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. Cảm giác tự hào khi bài hát Quốc ca vang lên vô cùng thiêng liêng. Thời khắc đó, đôi mắt, trái tim mình hướng về lá cờ Tổ quốc. Đây là khoảnh khắc mà tôi đã từng được dự và không bao giờ quên. Tình yêu Tổ quốc đặt trong trái tim mình vô cùng lớn lao khi Quốc ca cất lên.

Theo tôi nên có một bản chuẩn Quốc ca và để Nhà nước quản lý. Nếu không có sự quản lý rõ ràng thì đương nhiên vấn đề tranh chấp bản quyền sẽ xảy ra.

Bài hát Quốc ca bị ngắt tiếng như vậy thì tôi cho rằng, sự việc không phải của cá nhân nào nữa mà các cơ quan chức năng phải vào cuộc để giải quyết vấn đề này.

KHÁNH HUYỀN - TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/cac-nhac-si-noi-gi-ve-viec-quoc-ca-bi-ngat-trong-tran-bong-da-giua-doi-tuyen-viet-nam-lao-679875