Các nhóm khủng bố khét tiếng cũng có thể dùng AI để tuyên truyền cực đoan

Các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng và al-Qaeda đang kêu gọi những người theo dõi sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới nhất để truyền bá thông điệp cực đoan, tuyển mộ đồng thời tránh bị kiểm duyệt.

Thời kỳ đỉnh cao, nhóm IS có bộ phận làm phim tuyên truyền riêng nên chắc chắn sẽ tiếp tục sớm áp dụng công nghệ để phục vụ mục đích của chúng

Thời kỳ đỉnh cao, nhóm IS có bộ phận làm phim tuyên truyền riêng nên chắc chắn sẽ tiếp tục sớm áp dụng công nghệ để phục vụ mục đích của chúng

Ông Daniel Siegel, một nhà nghiên cứu Mỹ đang theo dõi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng cho mục đích độc hại nhận định: “Việc dân chủ hóa công nghệ AI trong những năm gần đây đang có tác động sâu sắc đến cách các tổ chức cực đoan tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng trực tuyến”.

Trong năm qua, các nhà quan sát từ nhiều tổ chức giám sát cực đoan cho biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm cực đoan khác đã khuyến khích người ủng hộ sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới. The Washington Post đưa tin, vào tháng 2-2024, một nhóm liên kết với al-Qaeda tuyên bố sẽ bắt đầu tổ chức các hội thảo về AI trực tuyến. Sau đó, nhóm này cũng đã đưa ra hướng dẫn sử dụng chatbot AI. Vào tháng 3-2024, sau khi một nhánh của IS sát hại hơn 135 người trong vụ tấn công khủng bố vào nhà hát ở ngoại ô Matxcơva, người ủng hộ nhóm này đã tạo ra một bản tin giả về sự kiện và đăng tải lên mạng 4 ngày sau vụ tấn công. Một ví dụ khác, đầu tháng 7 này, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã bắt giữ 9 thanh niên trên khắp nước này đang chia sẻ thông tin tuyên truyền ca ngợi nhóm IS, trong đó có một người được phân công tập trung vào “nội dung cực đoan đa phương tiện, sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa chuyên dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo”.

Ông Moustafa Ayad, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á tại Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) có trụ sở tại London, cho biết: “AI ngày nay còn hoạt động như một công cụ hỗ trợ tuyên truyền chính thức của cả al-Qaeda và IS. Nó cho phép những người ủng hộ và các nhóm hỗ trợ không chính thức tạo ra nội dung giàu cảm xúc hơn để khuyến khích những người ủng hộ”.

Bà Lilly Pijnenburg Muller, chuyên gia về an ninh mạng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Hoàng gia London cho biết, ngày nay ngay cả những tin đồn và video cũ cũng có thể gây mất ổn định và dẫn đến một loạt thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Trên thực tế, chuyên gia Ayad cho rằng, kể cả những nội dung lố bịch và phi thực tế hơn cũng thường đủ mới lạ để chia sẻ trong một nhóm cộng đồng. Đối với những người theo dõi lâu năm về nhóm IS, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khi nhóm cực đoan này lần đầu tiên nổi lên vào khoảng năm 2014, bọn chúng đã thực hiện các video tuyên truyền rùng rợn để vừa đe dọa kẻ thù, vừa kích thích trí tò mò của những người muốn được tuyển mộ. Ông Ayad lưu ý: “Các nhóm khủng bố và những người ủng hộ chúng tiếp tục là những người sớm áp dụng công nghệ để phục vụ lợi ích của chúng”.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, các nhóm cực đoan cũng có thể sử dụng chatbot từ các mô hình ngôn ngữ lớn, như ChatGPT để trò chuyện với những tân binh tiềm năng. Một khi chatbot đã thu hút được sự quan tâm, người thật - đóng vai trò tuyển mộ - có thể thực hiện mục tiêu chính của mình.

Mặc dù, AI có tiềm năng đáng lo ngại trong tay những kẻ cực đoan nhưng diễn biến thực trong cuộc sống vẫn nguy hiểm hơn. Ông Moustafa Ayad phân tích: “Tôi không biết liệu ở giai đoạn này, việc sử dụng AI của các tổ chức khủng bố nước ngoài và những kẻ ủng hộ chúng có nguy hiểm hơn việc tuyên truyền rất chân thực liên quan đến việc giết hại thường dân và tấn công lực lượng an ninh hay không. Hiện tại, mối đe dọa lớn hơn cả là việc các nhóm này thực sự tiến hành các cuộc tấn công nhằm truyền cảm hứng cho các tác nhân đơn độc hoặc tuyển mộ thành công thành viên mới”.

Theo DW

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-nhom-khung-bo-khet-tieng-cung-co-the-dung-ai-de-tuyen-truyen-cuc-doan-post583342.antd