Các nước Bắc Âu tham gia sự kiện Hanoi Pride 2021

Ngày 8/11, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Hà Nội (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) đã cùng cộng đồng LGBTIQ + tham gia sự kiện Hanoi Pride 2021.

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tham dự Hanoi Pride 2021. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tham dự Hanoi Pride 2021. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Được tổ chức dưới dạng một chuỗi sự kiện kết hợp, Hanoi Pride năm nay kỷ niệm hành trình 10 năm tự hào. Đây là năm thứ sáu liên tiếp các Đại sứ quán Bắc Âu tại Hà Nội cùng Hanoi Pride đồng hành cùng những người thuộc mọi quốc tịch và xu hướng tính dục nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề LGBTIQ+ và chống phân biệt đối xử.

Trên khắp thế giới, những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới và queer +) vẫn phải đối mặt với phân biệt đối xử và bạo lực. Bởi vậy, sự kiện được tổ chức nhằm khẳng định mọi người đều có quyền được tự do là chính mình, bất kể họ là ai, sống ở đâu và yêu ai.

Với chủ đề OnBecomingPride, Hanoi Pride 2021 được tổ chức từ ngày 8-14/11 trên các kênh truyền thông khác nhau.

Cùng với sự tham gia của các chuyên gia và nhà hoạt động trong và ngoài nước, sự kiện có nhiều chương trình hấp dẫn khác nhau như chiến dịch trực tuyến, radio thảo luận, marathon, chiếu phim và tuần lễ thời trang tự hào...

Chúc mừng Hanoi Pride nhân 10 năm hành trình tự hào, các Đại sứ đến từ các nước Bắc Âu cho biết: "Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển tự hào ủng hộ lâu dài cho Hanoi Pride và các giá trị mà Hanoi Pride đang theo đuổi: tình yêu, sự hòa nhập và quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.

Sự kiện khẳng định mọi người đều có quyền được tự do là chính mình, bất kể họ là ai, sống ở đâu và yêu ai. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Sự kiện khẳng định mọi người đều có quyền được tự do là chính mình, bất kể họ là ai, sống ở đâu và yêu ai. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Trong khi chúng tôi đang nỗ lực hết mình để xây dựng một xã hội không định kiến, không phân biệt đối xử, một xã hội tôn vinh sự hòa nhập, tình yêu, sự đa dạng và quyền tự do cho mọi công dân, chúng tôi cũng đã mất nhiều năm đấu tranh liên tục không ngừng nghỉ để có được vị trí như ngày hôm nay.

Vì vậy, mọi nỗ lực đều đáng được trân trọng và chúng ta phải tiếp tục cố gắng cho đến khi tất cả mọi người được đối xử bình đẳng trước pháp luật cũng như trong cuộc sống hàng ngày, bất kể họ chọn yêu và chung sống với ai".

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia đảm bảo không phân biệt đối xử. Tương tự, Chương trình Phát triển Bền vững 2030 kêu gọi các quốc gia thúc đẩy thực thi không phân biệt đối xử để không ai bị bỏ lại phía sau.

Vào tháng 7/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tuyên bố Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu tham vấn về việc có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay không.

Tháng 6/2013, Bộ Tư pháp đã trình dự luật hủy bỏ việc cấm hôn nhân đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành nghị định bãi bỏ hình phạt đối với hôn nhân đồng giới.

Năm 2015, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia tiên phong ở châu Á ban hành luật bảo vệ quyền cho người chuyển giới.

Tuy nhiên, dự luật thi hành luật đó cho đến nay vẫn chưa được thông qua, gây ra sự lộn xộn về mặt pháp lý. Điều này khiến những người chuyển giới chịu thiệt thòi khi phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong việc tiếp cận công lý, an sinh xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và việc làm.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nuoc-bac-au-tham-gia-su-kien-hanoi-pride-2021-164284.html