Các nước Baltic và NATO ở biên giới với Nga đẩy mạnh kế hoạch phòng thủ

Sự gia tăng quân sự hóa ở vùng Baltic không chỉ phản ánh sự lo ngại từ Nga mà còn là một phần trong chiến lược phòng thủ của NATO.

Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận quân sự chung tại Pabrade (Litva), ngày 26/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận quân sự chung tại Pabrade (Litva), ngày 26/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định mới đây của Phó Giáo sư Evgeny Korenev, chuyên gia tại Viện các vấn đề quốc tế đương đại thuộc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Nga, tình hình an ninh ở vùng Baltic đang trở nên ngày càng căng thẳng khi các quốc gia ở khu vực này thực hiện các biện pháp quân sự để phản ứng với xung đột Nga - Ukraine. Chính quyền các nước vùng Baltic, bao gồm Litva, Latvia và Estonia, đang đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng thủ để bảo vệ biên giới và củng cố khả năng phòng thủ khu vực của họ.

Litva đã đi tiên phong trong việc xây dựng các khu vực phòng thủ, đã hoàn thành khu đầu tiên trong số 27 công trình phòng thủ ở biên giới với Nga. Các khu vực này được trang bị chướng ngại vật chống thiết bị hạng nặng, như các rào cản, chướng ngại vật chống tăng và công cụ chống đột kích. Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết các công trình phòng thủ sẽ được xây dựng dọc theo toàn bộ biên giới của nước này với Nga và Belarus.

Bộ trưởng Kasciunas nhấn mạnh rằng vào cuối năm nay, tất cả 27 công trình trên sẽ được bố trí các thiết bị phòng thủ, như các “răng rồng” (những khối bê tông dùng để ngăn bước tiến của xe tăng và ngăn chặn bộ binh cơ giới đối phương) và các công cụ khác.

Hành động của Litva được theo sau bởi Latvia và Estonia, những quốc gia cũng đang xây dựng các tuyến công sự. Estonia có kế hoạch xây dựng 600 boongke dọc biên giới với Nga, với việc lắp đặt hầm ngầm dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay. Latvia thì đang lắp đặt các công sự chống tăng gần biên giới với Nga, tại các khu vực quan trọng như Zilupe và Terekhovo. Những nỗ lực này cho thấy một chiến lược quân sự hóa đồng bộ trong khu vực Baltic nhằm củng cố năng lực phòng thủ và bảo vệ biên giới trước những thách thức từ Nga.

Sự gia tăng quân sự hóa ở vùng Baltic không chỉ phản ánh sự lo ngại từ Nga, mà còn là một phần trong chiến lược phòng thủ của NATO. Các quốc gia vùng Baltic đã đề xuất việc xây dựng tuyến phòng thủ dài 700 km ở biên giới với Nga và Belarus, với ước tính chi phí lên đến khoảng 2,5 tỷ euro. Sáng kiến này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với NATO, mặc dù chưa có phản hồi cụ thể từ EU về việc tài trợ cho dự án này.

Thách thức

Phó Giáo sư Korenev cho rằng, các biện pháp phòng thủ của các nước Baltic phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực và sự lo ngại về khả năng Nga có thể thực hiện các hành động quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, dự án xây dựng công sự ở vùng Baltic, dù đầy tham vọng, đang đối mặt với nhiều thách thức. Một hệ thống phòng thủ như vậy có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra một hàng rào phòng thủ hiệu quả tương đương với các tuyến phòng thủ nổi tiếng như Phòng tuyến Mannerheim ở Phần Lan. Những công trình này có thể không đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn.

Ngoài ra, dù các nước Baltic đang đầu tư mạnh mẽ vào phòng thủ khu vực, họ vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Estonia, Latvia và Litva tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev, nhằm làm suy yếu Nga và duy trì tầm quan trọng của mình trong NATO. Chính phủ Estonia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kristen Michal, đã cam kết phân bổ 0,25% GDP mỗi năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine cho đến năm 2027. Latvia cũng đang thúc đẩy tăng cường sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không. Nhưng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể gây áp lực lên ngân sách quốc phòng của các nước Baltic, làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì các dự án phòng thủ trong khu vực.

Tóm lại, các nước Baltic dường như đang xây dựng công trình phòng thủ không chỉ để đáp ứng mối lo ngại hiện tại, mà còn để củng cố sự ủng hộ và cam kết trong NATO. Sự gia tăng quân sự hóa ở vùng Baltic là một phần trong chiến lược phòng thủ rộng lớn hơn của NATO, nhằm bảo vệ khu vực và duy trì sự ổn định trong khuôn khổ an ninh châu Âu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasia.expert)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/cac-nuoc-baltic-va-nato-o-bien-gioi-voi-nga-day-manh-ke-hoach-phong-thu-20240804121632912.htm