Các nước châu Á ăn rằm tháng Giêng như thế nào?

Không chỉ ở Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu được coi là một ngày lễ lớn trong năm của một số nước châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,...

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, hết rằm tháng Giêng mới chính thức kết thúc Tết Nguyên đán. Do vậy, Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng".

Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc còn được nhiều người biết đến là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng" (Ảnh: Internet)

Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc còn được nhiều người biết đến là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng" (Ảnh: Internet)

Sau Tết Nguyên tiêu, những điều kiêng kỵ trong năm mới không còn hiệu lực và tất cả các đồ trang trí trong ngày Tết đều được gỡ bỏ. Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc có tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo dài từ ngày 13 đến 17 tháng Giêng. Những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, 12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích được ưa chuộng.

Ngoài ra, ở Trung Quốc, bánh trôi là món không thể thiếu trong Tết Nguyên tiêu. Bánh trôi của Trung Quốc cũng được làm bằng gạo nếp, nhưng cách làm của miền Bắc và miền Nam không giống nhau, tên gọi cũng khác nhau. Ở mỗi miền, mỗi địa phương lại có món bánh trôi với các loại nhân khác nhau: nhân mặn, nhân ngọt, nhân có thêm trứng… Phần lớn các khu vực ở miền Bắc gọi loại bánh này là “Nguyên Tiêu”, còn miền Nam gọi là “Thang Viên” tức bánh trôi nước. Những viên bánh tròn đầy, tượng trưng cho sự đoàn tụ, viên mãn, trọn vẹn, ngọt ngào.

Đài Loan (Trung Quốc)

Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày này sẽ xuất hiện những chiếc đèn lồng khổng lồ, mang hình dáng linh vật tượng trưng của năm. Ví dụ, năm Thìn sẽ có đèn lồng hình con rồng, năm Thân sẽ là những chiếc đèn lồng khổng lồ mang hình con khỉ…. Vào buổi tối, một số thành phố của các nước này còn tổ chức thả đèn hoa đăng hoặc đèn trời với mong muốn một năm may mắn, hạnh phúc và bình an.

Đối với người dân Đài Loan, sau Tết Nguyên đán thì Tết Nguyên tiêu cũng là ngày tết quan trọng. Khắp nơi ở Đài Loan đều có những hoạt động rầm rộ chúc mừng bình an mạnh khỏe, mọi người bận rộn ngắm hoa đăng, chơi câu đối, ăn Tết. Đài Loan ăn Tết Nguyên tiêu là sự sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và khoa học kỹ thuật, nổi bật là nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống và đèn lồng hiện đại, kết hợp giữa mới và cũ. Thêm vào đó là những buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc sôi động, hàng năm đều thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến tham quan.

Hàn Quốc

Ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc còn có tên gọi là Daeboreum hay "Đại lễ trăng tròn", tức là Rằm Cả, một ngày lễ truyền thống dân gian kỷ niệm ngày trăng tròn đầu tiên của năm Âm lịch.

Buổi sáng ngày lễ bắt đầu bằng việc uống rượu gạo và đập hạt. Theo truyền thuyết, việc uống loại rượu này bảo vệ người ta khỏi các bệnh liên quan đến tai như nhiễm trùng hoặc điếc. Ngoài ra, đồ uống đảm bảo rằng người đó chỉ nghe tin tốt trong năm đó.

Người Hàn Quốc có thủ tục đập vỡ các loại hạt vào sáng ngày rằm tháng Giêng (Ảnh: DailyDGNews)

Người Hàn Quốc có thủ tục đập vỡ các loại hạt vào sáng ngày rằm tháng Giêng (Ảnh: DailyDGNews)

Việc đập vỡ các loại hạt, được gọi là Bureomkkaegi, diễn ra trong khi mọi người cầu nguyện để tránh phát ban và các bệnh ngoài da khác. Theo truyền thống, những loại hạt này đều giữ nguyên vỏ. Khi ăn, bạn nên cắn bằng răng để mang lại may mắn. Các loại hạt thường ăn là: hạt bạch quả, óc chó, lạc, hạt dẻ, hạt thông...

Những món ăn ngày rằm phải đủ 5 loại ngũ cốc. Tùy thuộc vào khẩu vị và thói quen của từng gia đình nhưng chắc chắn phải đủ 5 loại.

Ngoài ra, vào ngày này người dân phấn khởi hòa mình vào không khí vui nhộn của lễ hội lửa Jeongwol. Mỗi người dân xứ Hàn đều tràn ngập hạnh phúc và hy vọng trong ngày lễ này bởi ngọn lửa thổi bùng sức sống mãnh liệt, gạt bỏ mọi vận xui của năm cũ để tiếp sức, truyền lửa cho mọi người một năm mới thịnh vượng hơn.

Một số quốc gia khác

Một số quốc gia như Thái Lan, ngày Tết Nguyên tiêu là lễ hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng Tam Tạng kinh điển Phật từ 7 đến 10 ngày.

Ở Ấn Độ, quanh khu vực thánh địa nơi đức Phật thành đạo dưới gốc bồ đề, các chùa và tăng ni, tín đồ đến từ nhiều quốc gia mà đạo Phật là quốc giáo như Tây Tạng, Myanmar, Lào... tổ chức những pháp hội tụng Tam Tạng Pàli cúng dường đức Phật.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cac-nuoc-chau-a-an-ram-thang-gieng-nhu-the-nao-d204468.html