Các nước châu Âu không lặp lại trạng thái đóng cửa dù COVID-19 diễn biến 'nóng'
Mùa đông năm ngoái, khu vực đồng tiền chung châu Âu rơi vào suy thoái sau khi tổng sản lượng kinh tế tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, khởi nguồn từ biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt của chính phủ các nước nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Có chiều hướng lắng dịu trên toàn cầu; riêng các nước châu Âu vẫn "nóng" Châu Âu tiếp tục các gói kích thích tài khóa đối phó với dịch Covid-1
Người dân giữ khoảng cách an toàn khi vào mua sắm tại một cửa hàng trên phố Kalverstraat, Amsterdam, Hà Lan.
Vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở châu Âu lại tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Riêng Đức, Áo và Hà Lan đều đối mặt với kỉ lục về số ca lây nhiễm kể từ khi dịch bùng phát. Nhưng giới giới phân tích kinh tế cho rằng, các nước châu Âu sẽ không trở lại trạng thái đóng cửa trên phạm vi toàn quốc trong bối cảnh 2/3 dân số trong khối đã hoàn tất tiêm chủng.
Với biện pháp mạnh tay mới nhất nhằm vào nhóm chưa tiêm chủng, giới chuyên gia kinh tế tin rằng chính phủ các nước có thể sẽ tránh được vết xe đổ vỡ kinh tế, đình đốn sản xuất, nhưng vẫn khuyến khích những người còn lưỡng lự tiêm chủng đi tới quyết định tiêm vaccine. Áo là nước đầu tiên trong liên minh châu Âu (EU) công bố biện pháp đóng cửa toàn quốc với người chưa tiêm chủng, quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 14/11.
Theo Katharina Utermohl, chuyên gia kinh tế tại Allianz, ở thời điểm hiện tại, có thể xuất hiện suy giảm về tiêu dùng. Nhưng làn sóng lây nhiễm mới khó có thể làm chệch hướng phục hồi ở châu Âu. Doanh số bán lẻ dịp Giáng sinh năm mới tại các cửa hàng, trung tâm thương mại có thể sẽ rất tệ, nhưng bù lại hoạt động mua sắm qua mạng vẫn được duy trì. Hoạt động nhà hàng, du lịch, khách sạn sẽ dần ổn định.
Ủy ban châu Âu (EC) hồi tuần trước dự báo khu vực tăng trưởng trong eurozone từ 2,3% trong quý 3 sẽ giảm xuống còn 0,8% trong quý 4.
Giới phân tích đa phần đều cho rằng nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng là do tình trạng thắt cổ chai trong chuổi cung toàn cầu, làm suy giảm sản lượng, đẩy lạm phát tăng cao. Lạm phát tháng 10 trong eurozone đã lên mức 4,1%, ngưỡng cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Báo cáo kinh tế mùa Thu của EU cũng cho biết, nền kinh tế châu Âu đã phục hồi tốt sau cuộc suy thoái lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái và sự tăng trưởng sẽ tiếp tục vào năm tới, bất chấp làn sóng lây nhiễm đang gia tăng tại châu Âu. Báo cáo nâng dự báo tăng trưởng GDP của eurozone năm 2021 lên 5% so với mức 4,8% dự kiến trước đó. Tuy nhiên, EC lại hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2022 xuống mức 4,3%, so với mức dự báo 4,5% hiện nay.
Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Âu được cho là “rất đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia) và “đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên khác. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%. Đặc biệt là trường hợp của Đức - nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và chứng kiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau hai tuần.