Các nước châu Âu tăng cường biện pháp tiết kiệm năng lượng
Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. Nguồn: AP
Chính phủ Đức vừa thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông, trong đó hạn chế sử dụng đèn chiếu sáng công cộng.
Lãnh đạo Bộ GT-VT và Bộ Kinh tế Đức cho biết, chính phủ nước này sẽ giảm từ 2-2,5% lượng khí đốt sử dụng và các tuyến đường sắt quốc gia cũng sẽ ưu tiên hoạt động vận chuyển nhiên liệu. Các tòa nhà công cộng sẽ giảm nhiệt sưởi ấm và đường phố sẽ ít đèn hơn. Theo đó, kể từ ngày 1/9, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ các cơ sở như bệnh viện, nhà dưỡng lão, được duy trì nhiệt độ sưởi cao nhất 19 độ C, nhưng toàn bộ hệ thống sưởi ở hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm. Ước tính, các biện pháp này có thể tiết kiệm cho các hộ gia đình, công ty và khu vực công khoảng 10,8 tỉ euro trong hai năm tới.
Bên cạnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng mới, Đức đang nỗ lực lắp đặt hai nhà ga tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển Bắc để tăng cường dự trữ khí đốt cho những tháng mùa đông. Tình trạng thiếu khí đốt đang khiến các ngành công nghiệp Đức tạm thời chuyển sang sử dụng nhiều than và dầu hơn trong các quy trình sản xuất. Để bảo đảm an ninh nguồn cung, Đức cũng phải thay đổi các tuyến đường giao hàng, khiến các công ty logistics gặp khó khăn.
Dự kiến, những quy định mới sẽ áp dụng trong sáu tháng chủ yếu để giúp nền kinh tế Đức tránh nguy cơ bị gián đoạn trong mùa đông, thời điểm các hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi và nhu cầu năng lượng tăng cao. Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch kích hoạt lại hai nhà máy điện than nhằm tiết kiệm năng lượng khí đốt trong mùa đông tới.
Trong khi đó, Thụy Sĩ, quốc gia nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ nước ngoài, đã đặt mục tiêu tự nguyện tiết kiệm 15% lượng khí đốt sử dụng cho mùa đông tới khi châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt. Chính phủ Thụy Sĩ dự định yêu cầu giảm mức nhiệt sưởi ấm các tòa nhà, tắt máy tính và các thiết bị khi không cần thiết.
Bộ trưởng Công thương Czech, quốc gia đang đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết đang xem xét việc triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng châu Âu do vấn đề giá năng lượng tăng cao. Theo quan chức này, một trong những giải pháp được cho là khả thi để đối phó tình trạng khó khăn hiện nay là thiết lập mức giá năng lượng trần cho toàn EU.
Tại Bắc Macedonia, ngày 25/8, chính phủ đã ban bố tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung năng lượng trên toàn quốc. Trong một thông cáo báo chí, chính phủ nêu rõ lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và kéo dài trong 30 ngày, do tình trạng thiếu điện và căng thẳng nguồn cung trên thị trường điện.
Chính phủ Bắc Macedonia cũng thông báo tình trạng khủng hoảng nguồn cung năng lượng sưởi ấm ở thủ đô Skopje. Cụ thể, từ ngày 1/9, Ủy ban Giám sát tình hình cung cấp điện và năng lượng sưởi sẽ theo dõi, phân tích và đánh giá tình hình thị trường điện và năng lượng sưởi ấm.
Cũng trong ngày 25/8, Chính phủ Phần Lan đã công bố chi tiết chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc tại 1 sự kiện được tổ chức ở Turku, tây nam nước này. Chiến dịch mang tên "bớt 1 độ", khuyến khích tất cả người dân trong nước tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu là làm ít nhất 75% dân số Phần Lan giảm tiêu thụ năng lượng của chính họ.
Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintila cho rằng, cần có những hành động tiết kiệm năng lượng cụ thể của các công ty, cộng đồng và cá nhân trong mùa thu đông năm nay. Bộ này cho biết thêm, chiến dịch sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc vào ngày 10/10 tới, sau khi thời tiết hạ nhiệt độ và mùa đông bắt đầu.
Các hành động cụ thể trong chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng. Bộ này cũng cảnh báo người dân rằng giá năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong mùa thu và mùa đông, đồng thời lưu ý bằng cách tiết kiệm năng lượng, mọi người đều có thể kiểm soát hóa đơn tiền điện và khí đốt của mình.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên đang diễn ra và nó có thể trở nên tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi những năm 70 thế kỷ trước.