Các nước châu Phi nêu nguyên nhân khó từ bỏ nhiên liệu hóa thạch
Theo quan chức Namibia, rất nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt đến tham dự COP27 vì châu Phi muốn gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ phát triển tất cả các nguồn năng lượng vì lợi ích của người dân.
Trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), nhiều chính phủ châu Phi đã nêu những lý do khiến các nước trong khu vực khó có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Theo các phát biểu tại hội nghị, các nước trong khu vực cần được phép phát triển các nguồn nhiên liệu hóa thạch để đẩy mạnh kinh tế, đưa người dân thoát khỏi đói nghèo.
Động lực thúc đẩy từ bỏ nhiên liệu hóa thạch đã yếu đi đáng kể trong năm nay trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát lên những mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Kể cả những quốc gia từng đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc về việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng ít carbon cũng buộc phải thay đổi ưu tiên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Các nước châu Phi nhận thấy những thị trường xuất khẩu tiềm năng mới và cơ hội để chấm dứt tình trạng nghèo năng lượng trong châu lục. Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn năng lượng lớn của phương Tây đã tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác tại các nước châu Phi như Namibia, Mauritania, Tanzania và Senegal. Các công ty như Shell, TotalEnergiesm, BP và Equinor cũng cử đại diện tới tham dự COP27 tại Ai Cập.
Quan chức Bộ Khai mỏ và năng lượng Namibia Maggy Shino cho biết có rất nhiều công ty dầu mỏ và khí đốt đến tham dự COP27 vì châu Phi muốn gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ phát triển tất cả các nguồn năng lượng vì lợi ích của người dân, vì vấn đề của những nước này chính là nghèo năng lượng.
Theo quan chức này, các nước giàu có phát thải nhiều đã không thực hiện cam kết hỗ trợ vốn cho các nước nghèo phát triển năng lượng sạch để dần từ bỏ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch. Bà cho rằng nếu yêu cầu các nước châu Phi từ bỏ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất thì cần phải đưa ra gói bồi thường tương xứng. Tuy nhiên chưa có nước nào đưa ra đề xuất trên.
Các nhà khoa học khuyến cáo phải chấm dứt việc đầu tư phát triển nhiên liệu hóa thạch để tìm kiếm cơ hội hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp nhằm ngăn chặn những tác động khủng khiếp mà biến đổi khí hậu gây ra./.