Các nước đang phát triển nợ Trung Quốc ít nhất 1 nghìn tỷ USD?
Và hơn một nửa trong số hàng ngàn khoản vay mà Trung Quốc đã cấp trong hơn 2 thập kỷ qua đang bước vào thời kỳ đáo hạn, đúng vào lúc nhiều nước đi vay gặp khó khăn tài chính…
Các nước đang phát triển đang nợ các nhà cho vay Trung Quốc ít nhất 1,1 nghìn tỷ USD - một báo cáo công bố vào đầu tuần này cho biết - và hơn một nửa trong số hàng ngàn khoản vay mà Trung Quốc đã cấp trong hơn 2 thập kỷ qua đang bước vào thời kỳ đáo hạn, đúng vào lúc nhiều nước đi vay gặp khó khăn tài chính.
CÁC KHOẢN VAY GIẢI CỨU TĂNG MẠNH
Theo dữ liệu từ AidData, một đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary ở bang Viriginia, Mỹ, các khoản nợ bị trễ hạn thanh toán mà bên cho vay là Trung Quốc đang đang với tốc độ chóng mặt. Nghiên cứu của AidData phát hiện gần 80% danh mục cho vay của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển hiện nay là các khoản vay hỗ trợ những quốc gia rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính.
Trong suốt nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc tập trung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia nghèo, bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường” được khởi xướng cách đây một thập kỷ. Dòng vốn từ Trung Quốc đã chảy gần như bất tận vào các con đường, sân bay, tuyến đường sắt và nhà máy phát điện từ Mỹ Latin cho tới Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đi vay.
Giờ đây, 55% các khoản vay từ khu vực nhà nước của Trung Quốc cấp cho các nước đang phát triển đã bước vào thời kỳ đáo hạn - theo phân tích của AidData về dữ liệu cho vay suốt 2 thập kỷ của Trung Quốc đối với 165 quốc gia. Điều đáng nói là những khoản vay này đáo hạn đúng vào lúc môi trường tài chính toàn cầu đang khắc nghiệt, với lãi suất cao, đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá, và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
“Nhiều trong số những khoản vay này được cấp khi sáng kiến Vành đai và Con đường khởi động vào năm 2013, và có thời gian ân hạn khoảng 5, 6 hoặc 7 năm. Rồi các nỗ lực giãn nợ toàn cầu trong thời gian đại dịch Covid-19 mang lại thêm 2 năm ân hạn nữa”, Giám đốc điều hành Brad Parks của AidData, tác giả của báo cáo, cho biết.
“Trong khoảng một thập kỷ qua, Trung Quốc là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, và bây giờ là một bước ngoặt khi Trung Quốc sẽ trở thành người thu nợ chính thức lớn nhất thế giới”, tác giả bảo cáo nhận xét.
Các con số mà AidData đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu của tổ chức nghiên cứu này theo dõi số vốn vay và cam kết cho vay trị giá 1,34 nghìn tỷ USD từ Trung Quốc và các tổ chức thuộc nhà nước Trung Quốc cấp cho bên đi vay thuộc cả khu vực công và tư ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong khoảng thời gian từ năm 2000-2021. Các nhà nghiên cứu của AidData nói rằng các nước đang phát triển nợ Trung Quốc ít nhất 1,1 nghìn tỷ USD và nhiều nhất khoảng 1,5 nghìn tỷ USD ở thời điểm năm 2021.
Theo AidData, cho tới năm 2008, Trung Quốc chưa khi nào phải đối mặt với tình huống cùng một lúc hơn 10 quốc gia căng thẳng tài chính chậm trả nợ nước này. Nhưng đến năm 2021, có ít nhất 57 quốc gia nợ tiền Trung Quốc rơi vào căng thẳng tài chính.
TRUNG QUỐC - "NHÀ QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG QUỐC TẾ"
Đây có vẻ là một nguyên nhân phía sau việc Trung Quốc thay đổi cách thức cho vay. Việc rót vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn đang bị cắt giảm mạnh. Thay vào đó, Trung Quốc tăng cường cung cấp các khoản vay cứu trợ khẩn cấp - theo AidData.
Hoạt động cho vay của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm, nhưng nước này vẫn đang là nguồn vốn phát triển chính thức đơn phương lớn nhất thế giới, vượt qua bất kỳ quốc gia phát triển nào trong nhóm G7, cũng như các định chế tài chính đa phương - AidData cho hay.
Vị trí này của Trung Quốc được duy trì ngay cả khi Mỹ và các đối tác của Mỹ trong G7 đẩy mạnh nỗ lực cho vay phát triển. Tổng cộng, G7 chi vượt Trung Quóc 84 tỷ USD về cho vay phát triển trong năm 2021.
Theo AidData, tổng cam kết cấp vốn của Trung Quốc dành cho thế giới đang phát triển đã giảm từ đầu đại dịch Covid-19. Từ mức đỉnh 150 tỷ USD vào năm 2016, con số đã giảm dưới mốc 100 tỷ USD vào năm 2020 lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Nhưng theo dữ liệu mới nhất từ AidData, mức cho vay của Trung Quốc đối với các nền kinh tế đang phát triển vẫn là hàng chục tỷ USD, như 79 tỷ USD trong năm 2021, tăng 5% so với năm trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cam kết cho vay phát triển quốc tế tổng cộng 72 tỷ USD trong năm 2021.
Dù vậy, tỷ trọng của vốn vay cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng trong tổng cam kết cho vay của Trung Quốc đối với các nước thu nhập thấp và trung bình đã giảm từ mức 65% vào năm 2014 xuống còn 50% vào năm 2017, rồi tiếp tục còn 49% vào năm 2018 và 31% vào năm 2021.
Trong năm 2021, 58% vốn vay của Trung Quốc cấp cho các quốc gia này là các khoản vay giải cứu nhằm giúp các nước gặp căng thẳng tài chính trụ vững thông qua cải thiện dự trữ ngoại hối và định hạng tín nhiệm, hoặc thực hiện việc trả nợ các khoản đáo hạn cho chủ nợ quốc tế.
Điều này đồng nghĩa Trung Quốc đang ngày càng hành động như một “nhà quản lý khủng hoảng quốc tế” - theo AidData. Tổ chức nghiên cứu này cho rằng việc quốc gia nào được Trung Quốc giải cứu sẽ tùy thuộc vào rủi ro mà nước đó đặt ra với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
“Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đang giải cứu những nước đi vay đó, nhưng nhìn sâu hơn, Trung Quốc đang giải cứu chính các ngân hàng của Trung Quốc”.
TRUNG QUỐC BẮT TAY VỚI PHƯƠNG TÂY ĐỂ GIẢM RỦI RO CHO VAY
Trung Quốc đã cùng với các chủ nợ khác tham gia vào các cuộc đàm phán về giảm nợ cho các nước đi vay gặp khó khăn như Zambia hay Ghana, nhưng các nhà nghiên cứu của AidData cho rằng có thể Trung Quốc cũng cản trở các nỗ lực giảm nợ có sự phối hợp của các bên do nước này thường đòi hỏi có vị trí ưu tiên trong thứ tự được trả nợ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra chế tài mạnh tay hơn khi bên vay chậm trả - theo AidData.
Về phần mình, Trung Quốc tích cực bảo vệ những gì mà nước này đã làm trong việc giảm nợ cho các nước nghèo, nói rằng Trung Quốc đã đóng một vai trò tích cực và xây dựng trong các nỗ lực đa phương, rằng “bền vững nợ đã tiếp tục được cải thiện” trong chương trình Vành đai và Con đường.
Nghiên cứu của AidData cũng cho thấy Trung Quốc đã dịch chuyển theo hướng cung cấp các khoản vay hợp vốn, trong đó nước này hợp tác với các ngân hàng thương mại phương Tây và các định chế tài chính đa phương để thẩm định dự án nhằm giảm bớt rủi ro trong tương lai.
Một nửa danh mục cho vay khẩn cấp của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển là các thỏa thuận cho vay hợp vốn, trong đó hơn 80% các thỏa thuận như vậy có sự tham gia của đối tác phương Tây hoặc tổ chức đa phương, theo AidData.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh trong sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tăng cường giám sát và giảm bớt rủi ro, trong bối cảnh có những mối lo về môi trường, xã hội và lao động liên quan tới các dự án thuộc sáng kiến này. Tại sự kiện kỷ niệm 10 năm sáng kiến ra đời vào tháng trước, Trung Quốc nói giai đoạn mới sẽ tập trung vào phát triển chất lượng cao.