Các nước Đông Âu phản đối chính sách mới về nhập cư, tị nạn của EU
Sau khi Ủy ban châu Âu công bố các chính sách mới về nhập cư, tị nạn của Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ, nhóm một số các nước Đông Âu đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch mới của EU về vấn đề này.
Các nước lớn trong khối Đông Âu như: Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc đều có chung quan điểm cứng rắn không đồng tình với đề xuất mới nhằm xử lý vấn đề nhập cư và tị nạn hiện nay theo hướng ổn định và lâu dài.
Hôm qua, Thủ tướng Hungary Victor Orban cho biết, các biện pháp được đề xuất không đủ mạnh cũng như không phải là những thay đổi có tính chất đột phá để giải quyết vấn đề hiện nay. Ông cũng đề xuất yêu cầu phải có sự “sàng lọc” nhất định đối với nhóm người tị nạn ở các trại bên ngoài châu Âu.
Không chỉ có Hungary mà các nước trong nhóm Visegrad như Ba Lan, Séc, Slovakia cũng lên tiếng chống lại các quy định về việc phân bổ hạn ngạch di cư đối với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Séc Andrej Babis trao đổi với truyền thông cho rằng, Liên minh châu Âu nên ngăn người di cư ở khu vực biên giới và đưa họ quay trở về nước. Ông cho rằng, việc phân bổ người tị nạn và nhập cư cho mỗi nước thành viên sẽ khiến cho mỗi quốc gia phải thay đổi lại hệ thống trợ cấp và hạn ngạch hiện nay và Séc không ủng hộ việc này.
Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, ông muốn ngăn chặn các vấn đề này từ gốc chứ không phải tìm cách đối phó bằng các đề xuất về chính sách cho người di cư và đang gặp sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trong những năm qua.
Trong đề xuất mới được công bố ngày 23/9 của Ủy ban châu Âu đã có những sự điều chỉnh so với quy định trước đây như cơ quan này ra thêm các quy định chặt chẽ hơn về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn ở mức 10.000 euro cho mỗi người tị nạn và 12.000 euro nếu đó là trẻ vị thành niên./.
Theo VOV