Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị

Mạng lưới đường sắt đô thị ở Đông Nam Á đang trên đà mở rộng thêm 20% vào cuối năm 2024.

Indonesia xây dựng hệ thống vận tải đường sắt hạng nhẹ trên đảo Batam. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia xây dựng hệ thống vận tải đường sắt hạng nhẹ trên đảo Batam. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Nikkei Asia, các quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu giảm tắc nghẽn giao thông và khí thải ô tô.

Kết quả khảo sát hệ thống đường sắt tại các vùng thủ đô và thành phố lớn khắp Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia cho thấy tổng chiều dài của các tuyến đường sắt ở những nước này dự kiến sẽ tăng từ 1.147 km tính đến tháng 1/2023 lên 1.356 km vào cuối năm 2024.

Tại Thái Lan, tuyến đường sắt Yellow Line nối ngoại ô Bangkok với tỉnh Samut Prakan lân cận đã bắt đầu hoạt động trong tháng Bảy. Đây là tuyến đường sắt một ray (monorail) trên cao dài 30 km chạy qua 23 ga. Trong thời gian chạy thử vào tháng Sáu, Yellow Line đã thu hút khoảng 680.000 lượt hành khách chỉ trong hơn hai tuần. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng đã đi thử trên tuyến này và ông đã kêu gọi người dân sử dụng tuyến giao thông mới.

Thái Lan đã mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị kể từ khi hệ thống tàu điện trên cao bắt đầu hoạt động vào năm 1999. Các tuyến đường sắt của Thái Lan, bao gồm cả tàu điện ngầm, kéo dài hơn 200 km tính đến năm 2023, và có phạm vi phủ sóng nhanh gần bằng các quốc gia đường sắt đô thị hàng đầu Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia.

Các nước khác cũng đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị hoặc lên kế hoạch cho các tuyến mới. Tại Philippines, mạng lưới tàu điện ngầm Metro Rail Transit cũng đang được mở rộng. Vào cuối tháng Sáu, tập đoàn địa phương San Miguel cho biết, họ đã huy động được 100 tỷ peso (1,79 tỷ USD) để xây dựng tuyến số 7 nối Manila với khu vực ngoại ô. Đề cập đến tuyến đường sắt số 7, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành San Miguel, ông Ramon Ang, tuyên bố MRT-7 sẽ tạo ra vô số việc làm, thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho rất người dân Philippines.

Dân số đô thị của Đông Nam Á đang tăng lên, khiến giao thông bị tắc nghẽn và ô nhiễm không khí nghiêm trọng do khí thải xe cộ. Mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm là một thách thức chung của các quốc gia này khi họ tìm cách rút ngắn thời gian đi lại và giảm chi phí môi trường.

Các con đường chính của Manila liên tục bị tắc nghẽn ô tô và xe máy. Vào năm 2017, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, tắc nghẽn giao thông đã khiến nền kinh tế thiệt hại 3,5 tỷ peso mỗi ngày. Việc tăng lưu lượng giao thông đường sắt dự kiến sẽ giúp làm giảm lượng khí thải từ xe buýt chạy bằng động cơ diesel.

Các công ty cơ sở hạ tầng đường sắt của Nhật Bản và châu Âu đã dẫn đầu về số lượng đơn đặt hàng từ Đông Nam Á. Riêng Tokyo đã có hơn 300 km đường sắt. Các doanh nghiệp công và tư nhân của Nhật Bản có kế hoạch xuất khẩu bí quyết vận hành và xây dựng đường sắt và Đông Nam Á được coi là thị trường trọng điểm.

Công ty xây dựng Shimizu có trụ sở tại Tokyo đã giành được hợp đồng xây dựng một phần tuyến đường sắt ở Indonesia dự kiến khai trương vào năm 2029. Hồ sơ dự thầu được đệ trình thông qua liên doanh với Adhi Karya, một công ty xây dựng quốc doanh tại địa phương.

Công ty đường sắt Pháp Alstom tháng trước tiết lộ công ty sẽ cung cấp các đoàn tàu mới phục vụ các tuyến Bắc-Nam và Đông-Tây của Singapore. Việc giao hàng đã bắt đầu với 16 đoàn tàu, với tổng số 106 đoàn tàu sẽ được giao vào cuối năm 2026. Với chi phí 1,16 tỷ USD, các đoàn tàu mới được cho là cung cấp nhiều không gian hơn và chứa được nhiều hành khách hơn, bao gồm cả những người ngồi xe lăn.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn cạnh tranh với các nhà cung cấp Nhật Bản và châu Âu trong các dự án đường sắt đô thị của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Lào với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, khai trương vào tháng 12/2021. Nước này cũng dẫn đầu việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc của Indonesia, sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á áp dụng chính sách ngoại giao cân bằng nhằm duy trì mối quan hệ có lợi giữa phương Đông với phương Tây. Mạng lưới đường sắt ở Đông Nam Á thường không áp dụng các hệ thống thống nhất trên toàn quốc, nghĩa là các đoàn tàu sẽ hoạt động theo các tiêu chuẩn khác nhau tùy thuộc vào từng tuyến.

Tại Bangkok, tuyến Red Line sử dụng các toa tàu do tập đoàn Hitachi của Nhật Bản sản xuất trong khi tuyến Yellow Line sử dụng đầu máy toa xe do "người khổng lồ" đường sắt CRRC của Trung Quốc sản xuất.

Nhật Bản sở hữu thế mạnh trong việc phát triển nhà ở và cơ sở thương mại thông qua những thỏa thuận trọn gói khi xây dựng các tuyến đường sắt. Công ty đường sắt Nishi-Nippon đã thành lập một liên doanh với nhà phát triển bất động sản Philippine Axeia Group để xây dựng nhà ở theo phong cách của thành phố Fukuoka tại Nhật Bản, nơi đặt trụ sở chính của Nishi-Nippon.

Tuy nhiên, vì nhiều dự án đường sắt ở Đông Nam Á đang được phê duyệt tại các thành phố đã phát triển, nên cơ hội cho các dự án bất động sản bổ sung không có nhiều. Junichiro Haseba, Phó Chủ tịch điều hành của công ty tư vấn SBCS, thừa nhận: "Thực tế là không có nhiều khả năng để đảm bảo quỹ đất mới dọc theo các tuyến đường sắt"./.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nuoc-dong-nam-a-day-manh-phat-trien-duong-sat-do-thi/299019.html