Các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở Trung Á

Thời gian gần đây, Mỹ và các đồng minh không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á thông qua các hoạt động ngoại giao, cam kết đầu tư, viện trợ. Tuy nhiên, liệu Mỹ và đồng minh có thể đẩy Nga, Trung Quốc ra khỏi khu vực này?

Từ lời nói đến hành động

Tờ Izvestia dẫn tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, ông Donald Lu cho biết, “chúng ta đang tham gia một cuộc chiến quan trọng ở Nam và Trung Á. Đây là cuộc chiến để cạnh tranh với Nga, Trung Quốc, cũng như ngăn chặn các hoạt động khủng bố”.

Theo ông Donald Lu, khu vực Trung Á đang trở thành đấu trường đặc biệt quan trọng cho “sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và Nga”. Ông Lu lấy Kazakhstan làm ví dụ, nhấn mạnh rằng “sự hỗ trợ tài chính cho truyền thông địa phương từ Washington sẽ “cho phép giảm mức độ can thiệp từ Nga và các nước khác”.

Ngoài ra, tại phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Quốc hội Mỹ, ông Donald Lu tuyên bố rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra một chương trình hỗ trợ cho những người lao động di cư bị trục xuất khỏi Nga, mục đích là tạo việc làm cho họ ở quê nhà. Theo ông Lu cho biết, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Quốc hội cấp 220,7 triệu USD cho các quốc gia Trung Á, đặc biệt là để giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc.

 Hội nghị thượng đỉnh C5+1. Ảnh: Astanatimes

Hội nghị thượng đỉnh C5+1. Ảnh: Astanatimes

Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự Hội nghị thượng đỉnh C5+1 (cơ chế hợp tác gồm Mỹ và 5 nước Trung Á) tại New York - sự kiện lịch sử đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị C5+1. Washington và các đối tác đã thảo luận về hàng loạt chủ đề như an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững, qua đó nhấn mạnh sự quan tâm và đóng góp ngày càng lớn của Mỹ trong khu vực.

Gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng quan tâm đến Hành lang vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), một mạng lưới vận chuyển trải dài khắp Trung Á, biển Caspi và vùng Caucasus, đã nổi lên như một giải pháp thay thế cho các tuyến vận tải do Nga kiểm soát. Trong 30 năm qua, tuyến vận tải này đã chứng kiến lưu lượng giao thông gia tăng, nhất là sau thời điểm tháng 2-2022 khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội TITR Gaidar Abdikerimov, hiện có 25 công ty vận tải từ 11 quốc gia tham gia TITR. Chỉ trong 10 tháng qua, hơn 2.256 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua hành lang này. Đầu năm nay, các tổ chức tài chính châu Âu và quốc tế công bố khoản cam kết trị giá 10,8 tỷ USD để phát triển TITR, nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyến vận tải phía Bắc (NSR) của Nga, Modern Diplomacy cho hay.

Trong một động thái liên quan mới nhất, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Trung Á tại Kazakhstan trong tháng 8 này. Theo tờ The Yomiuri Shimbun, hội nghị thượng đỉnh được tổ chức nhân dịp Thủ tướng Kishida thực hiện chuyến thăm tới các quốc gia Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ từ ngày 9 đến 12-8 tới đây. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nhật Bản với các quốc gia Trung Á (gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan) với mục đích củng cố các cam kết của Nhật Bản với khu vực thông qua việc thảo luận hàng loạt vấn đề, nhất là hợp tác kinh tế.

Theo giới phân tích chính trị, việc Mỹ và các đồng minh ngày càng quan tâm tới Trung Á cho thấy sức hút rất lớn của khu vực này. Đầu tiên, sức hút ấy xuất phát vị trí địa lý và địa chính trị độc đáo của khu vực này. Trung Á còn được biết đến là có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các tài nguyên khác.

Các quốc gia có dự trũ khí đốt tự nhiên hàng đầu khu vực như Turkmenistan (đứng thứ 06 thế giới) và Uzbekistan (đứng thứ 19 thế giới). Kazakhstan hiện có lượng dự trữ dầu mỏ đạt 30 tỷ thùng, đứng thứ 12 thế giới. Trong bối cảnh EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027, thì các nguồn cung khí đốt từ Trung Á là mục tiêu mà các nước này không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh muốn mở rộng các tuyến thương mại thay thế ở Trung Á, tăng khả năng vận chuyển và tăng cường các hệ thống thanh toán điện tử xuyên biên giới; xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dọc theo các tuyến thương mại xuyên Caspian; xác định các nút thắt hậu cần và đưa ra khuyến nghị cho chính phủ và khu vực tư nhân để cải thiện các trung tâm hậu cần cảng, đường sắt và hàng hải quan trọng ở Trung Á.

Nhận định về vấn đề này, nhà nghiên cứu cấp dưới tại Khoa Trung và Đông hậu Xô Viết của INION RAS, Razil Guzaerov cho rằng, trọng tâm trong các hoạt động hợp tác gần đây giữa Mỹ và đồng minh với Trung Á là phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Việc Mỹ và đồng minh tích cực đầu tư vào Trung Á sẽ dẫn đến sự tương tác về cơ sở hạ tầng và vận chuyển giữa các quốc gia trong khu vực và Nga sẽ giảm xuống mức tối thiểu; do đó, Moscow có nguy cơ mất đi một lượng đáng kể vận chuyển hàng hóa và các lực chọn tương tác khác. Ngoài ra, Mỹ và đồng minh cũng hướng tới sự cạnh tranh với Chiến lược Vành đai và Con đường/OBOR của Trung Quốc. Những khoản đầu tư có giá trị, cũng như thế mạnh về khoa học công nghệ của các nước phương Tây có thể đe dọa vị thế của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Liệu Mỹ và đồng minh có thể lấn át Nga, Trung Quốc ở Trung Á?

Tờ Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia Razil Guzaerov cho rằng, trong một thời gian dài, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã không dành sự quan tâm đủ lớn cho khu vực Trung Á. Tuy nhiên, vai trò địa chiến lược quan trọng của Trung Á và ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga, Trung Quốc tại khu vực này buộc Mỹ và các nước phương Tây phải thay đổi quan điểm và điều chỉnh chính sách nhằm cố gắng lôi kéo các nước trong khu vực ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc.

“Giới lãnh đạo từ Mỹ, EU và Anh liên tục có chuyến thăm tới Trung Á với mục tiêu chính là thuyết phục các nước khu vực này tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga. Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ và các nước phương Tây có vẻ như không hiệu quả khi các nước Trung Á chủ trương cân bằng quan hệ với các nước lớn”, chuyên gia Razil Guzaerov nói.

Về kinh tế, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á là không phải bàn cãi khi nước này đang vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Trung Á đạt 89,4 tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng 27% so với mức 70,2 tỷ USD năm 2022. Trong đó, xuất khẩu từ quốc gia tỷ dân sang khu vực này đã lên đến 61,4 tỷ USD. Điều này cho thấy Trung Á là một trong những khu vực ưu tiên trong chiến lược mở rộng của Trung Quốc. Trong số các nhiệm vụ chính mà Bắc Kinh hướng đến khu vực có liên quan đến cung cấp năng lượng, tiếp cận tài nguyên khoáng sản, tạo hành lang giao thông hiệu quả và an ninh khu vực.

Trong khi đó, Nga không thể cung cấp cho các quốc gia Trung Á khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính, các khoản vay và đầu tư ở mức độ mà Bắc Kinh có thể, song lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực này ở nhiều khía cạnh khác, nhất là về an ninh và năng lượng. Hiện nay, Trung Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh, cũng như những mâu thuẫn nội bộ và bất ổn xung quanh khu vực.

Trong đó, xung đột giữa Tajikistan - Kyrgyzstan đã làm sụt giảm sự đoàn kết trong nội bộ các nước Trung Á, cản trở nỗ lực của các nước trong việc đối phó với mối đe dọa bên ngoài, như cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan và chủ nghĩa khủng bố tại Afghanistan có nguy cơ lan rộng sang các nước Trung Á. Trước thực tế này, các nước Trung Á cần sự hỗ trợ từ Nga dưới vai trò dẫn dắt CSTO để tham gia sâu hơn vào giải quyết các bất ổn an ninh của khu vực Trung Á. Nga và CSTO vẫn chứng tỏ được vai trò quan trọng trong việc giải quyết các bất ổn ở Trung Á. Tháng 1-2022, CSTO đã giúp chính quyền Kazakhstan thiết lập lại trật tự sau các cuộc bạo nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Kazakhstan Tokayev. Điều này cho thấy, Nga vẫn là một nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực Trung Á.

Ở lĩnh vực năng lượng, những thách thức chính đối với Kazakhstan và Uzbekistan, cũng như đối với hầu hết các quốc gia Trung Á hiện nay là mức tiêu thụ năng lượng trong nước tăng đáng kể, trong khi cơ sở hạ tầng năng lượng lại xuống cấp nhanh chóng. Minh chứng là cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng xảy ra vào mùa đông năm 2022 - 2023 ở Uzbekistan và Kazakhstan, dẫn sự gián đoạn trong việc cung cấp xăng dầu và điện cho người tiêu dùng.

Mặc dù, không thể phủ nhận những áp lực từ phương Tây khiến lãnh đạo các nước Trung Á có phần thận trọng trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga do nguy cơ tiềm ẩn từ việc phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt thứ cấp (như việc các nước này từ chối cung cấp thẻ Mir của Nga trong khu vực), song việc tăng cường vai trò của Nga trong lĩnh vực năng lượng ở Trung Á sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà khu vực này đang phải đối mặt:

Thứ nhất, Nga sẽ giúp các nước Trung Á giải quyết nhanh chóng vấn đề thiếu hụt nguồn cung năng lượng và bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội trong khu vực.

Thứ hai, sự tham gia của các công ty Nga vào thị trường Trung Á sẽ tạo cơ hội cung cấp một phần thị trường tiêu thụ mới cho khí đốt từ nhiên của Nga.

Thứ ba, Trung Quốc quan tâm đến độ tin cậy và ổn định của nguồn cung cấp hydrocarbon từ Trung Á, cũng như bảo đảm an ninh cho các đường ống khí đốt liên quan. Việc cung cấp khí đốt của Nga cho Uzbekistan và Kazakhstan sẽ cho phép các nước này giải quyết không chỉ vấn đề đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong nước, mà còn duy trì ổn định nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nuoc-lon-canh-tranh-anh-huong-gay-gat-o-trung-a-post308641.html