Các nước phát triển muộn 3 năm trong mục tiêu đóng góp tài chính chống biến đổi khí hậu
Theo một kế hoạch chính thức được công bố ngày 25/10, các nước phát triển tin rằng đến năm 2023 có thể đạt mục tiêu hỗ trợ hơn 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tức là muộn hơn 3 năm so với cam kết ban đầu.
Kế hoạch trên do Canada và Đức soạn thảo trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào cuối tháng này. Kế hoạch cho rằng các nước phát triển cần nỗ lực hơn nữa, và nguồn đóng góp từ khu vực tư nhân không đáp ứng được kỳ vọng.
Theo mục tiêu được đặt ra từ năm 2009, các nước phát triển cam kết sẽ đóng góp 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020. Việc mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm có thể gây mất lòng tin và làm phức tạp thêm các nỗ lực xác lập mục tiêu mới về đóng góp tài chính cho chống biến đổi khí hậu.
Bản kế hoạch nêu rõ rằng các nước phát triển có thể tạo ra bước tiến đáng kể trong năm 2022 để hoàn thành mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD trong năm 2023. Theo báo cáo, “qua các số liệu, chúng tôi tin rằng trong các năm tới có thể huy động được hơn 100 triệu USD mỗi năm”.
Theo các nhóm hoạt động vì môi trường, con số hoàn toàn là không đủ. Theo một nhà đàm phán khí hậu của châu Phi, các nước ở khu vực này cho rằng nguồn quỹ dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải tăng gấp 10 lần, lên đến 1.300 tỷ USD/năm cho đến năm 2030. Trong khi đó, bà Teresa Anderson, điều phối viên về chính sách khí hậu của Tổ chức ActionAid, việc đáp ứng mục tiêu "là điều cần thiết tối thiểu để xây dựng lòng tin" trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Theo bà, các nhà lãnh đạo thế giới phải thừa nhận và giải quyết khoảng cách ngày càng tồi tệ giữa mục tiêu 100 tỷ USD/năm hiện nay với hàng tỷ USD cần thiết để đối phó với quy mô và mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng hiện nay".