Các nước tăng cường hàng rào bảo vệ khi thuế đối ứng của Mỹ sắp có hiệu lực

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến trong tuần này sẽ áp thuế đối ứng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Trong bối cảnh tác động của chính sách này chưa thể được đánh giá đầy đủ, chính phủ nhiều nước đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó và tăng cường hàng rào bảo vệ.

Trong một phát biểu ngày hôm qua (30/3), Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố “sẽ không có ngoại lệ” và mức thuế đối ứng mà ông chuẩn bị công bố trong tuần này sẽ bao gồm tất cả các quốc gia, không chỉ một nhóm nhỏ gồm 10 đến 15 quốc gia có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn nhất. Quan điểm được Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh:

“Nếu bạn không sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ, bạn sẽ phải trả thuế quan và trong một số trường hợp, mức thuế khá cao. Các quốc gia khác đã sử dụng thuế quan đối với chúng ta trong nhiều thập kỷ, và bây giờ đến lượt chúng ta bắt đầu sử dụng chúng đối với các quốc gia khác đó. Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Canada và vô số quốc gia khác tính cho chúng ta mức thuế cao hơn rất nhiều so với mức chúng ta tính cho họ. Điều này thật là bất công”.

Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố “sẽ không có ngoại lệ” và mức thuế đối ứng mà ông chuẩn bị công bố trong tuần này.

Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố “sẽ không có ngoại lệ” và mức thuế đối ứng mà ông chuẩn bị công bố trong tuần này.

Kế hoạch mang tên “Công bằng và có đi có lại” của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đánh giá lại các mối quan hệ thương mại “không có đi có lại” và phản ứng bằng cách áp dụng thuế quan được hiệu chỉnh theo tổng rào cản thương mại của các quốc gia mục tiêu. Chính phủ Mỹ tới nay vẫn chưa thông tin chi tiết về cách tính thuế quan đối ứng, cũng như những quốc gia nào sẽ bị nhằm mục tiêu.

Tuy nhiên, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra rằng, thuế quan tương hỗ sẽ phản ánh sự kết hợp của các yếu tố cụ thể đối với từng quốc gia, chẳng hạn như thuế suất, thuế giá trị gia tăng, các biện pháp thuế quan và chính sách ngoại hối.

Theo phân tích mới đây của Hội đồng quan hệ đối ngoại, Mỹ duy trì mức thuế suất áp dụng trung bình thấp hơn hầu hết các đối tác thương mại hàng đầu. Điều này có thể có nghĩa là mức thuế suất đối với nhiều quốc gia trong số đó sẽ tăng đáng kể. Ví dụ, nếu sử dụng mức thuế suất áp dụng đơn giản làm chuẩn mực, Mỹ có thể tăng thuế đối với Ấn Độ từ 3,3% lên 17% đối với hàng hóa trị giá khoảng 87,4 tỷ USD nhập khẩu từ quốc gia châu Á vào năm 2024.

Nhằm tránh các “cú sốc” đối với nền kinh tế do thuế quan của Mỹ, các quốc gia đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó, tìm cách tăng cường sức đề kháng, bảo vệ nền kinh tế trong nước, để có sức chống chịu tốt hơn với cơn bão thuế quan.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng các rào cản phi thuế quan và các điểm yếu khác để ứng phó với kế hoạch áp dụng thuế quan trả đũa của Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết sẽ xóa bỏ các rào cản đối với sự di chuyển tự do của người lao động, hàng hóa, và dịch vụ nhằm giảm chi phí thương mại tới 15% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước từ 4% đến 8% trong dài hạn.

Cùng với các nỗ lực tăng cường sức đề kháng cho nền kinh tế, Liên minh châu Âu cũng đang đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết:

“Liên minh châu Âu sẽ phản ứng với chính sách thuế quan của Mỹ. Rõ ràng và kiên quyết, với tư cách là khu vực kinh tế lớn hơn với nhiều cư dân hơn, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng cho sự thỏa hiệp và hợp tác. Đây vẫn là chiến lược mà chúng tôi đang theo đuổi. Chúng tôi không coi thuế quan là một công cụ phù hợp để trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia, nhưng chúng tôi tin rằng mô hình đã tồn tại trong những thập kỷ gần đây đã mang lại sự thịnh vượng tốt đẹp”.

Hay như Ấn Độ, nước này mới đây đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Anh và đặt mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do với New Zeland trong vòng 2 tháng tới. Theo giới chuyên gia, việc dựng lên các hàng rào có thể là cần thiết để bảo vệ những ngành kinh tế quan trọng, nhưng cũng buộc các quốc gia khác phải điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn để ưng phó tốt hơn với những biến động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cac-nuoc-tang-cuong-hang-rao-bao-ve-khi-thue-doi-ung-cua-my-sap-co-hieu-luc-post1188530.vov