Các nước tiến thoái lưỡng nan trước vấn đề viện trợ cho Afghanistan
Các thành viên Liên hợp quốc cam kết viện trợ hơn 1,2 tỷ USD cho Afghanistan để xử lý khủng hoảng nhân đạo, song nhiều quốc gia lo ngại hành động này có thể giúp hợp pháp hóa chính phủ của Taliban.
Quyết định ngừng viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đẩy nền kinh tế của Afghanistan - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới - vào tình trạng tê liệt nặng nề kể từ khi phong trào Hồi giáo Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước ngày 15/8.
Tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng đã buộc các ngân hàng tạm dừng hoạt động hoặc giới hạn rút tiền, khiến lạm phát tăng vọt. Chính sự bất ổn và nỗi khó khăn kinh tế này là những yếu tố đã đẩy hơn 100.000 người dân rời khỏi Afghanistan.
Trước đó, 96 quốc gia tham gia cuộc họp ngày 13/9 của Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva đã nhất trí viện trợ nhanh 606 triệu USD để giúp Afghanistan vượt qua 4 tháng cuối năm. Số tiền này nhằm cung cấp lương thực và hỗ trợ sinh kế quan trọng cho gần 11 triệu người cùng các dịch vụ y tế thiết yếu cho 3,4 triệu người. Ngoài ra, số tiền còn để điều trị cho hơn 1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính, đảm bảo nước sạch, điều kiện vệ sinh cũng như bảo vệ trẻ em và những nạn nhân của bạo lực giới tính.
Tuy nhiên, đề cập đến cuộc khủng hoảng tiền mặt của Kabul, Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh viện trợ khẩn cấp sẽ không giải quyết được vấn đề nếu nền kinh tế của quốc gia này sụp đổ. Hiện tại, khoảng 10 tỷ USD tài sản do Ngân hàng Trung ương Afghanistan nắm giữ ở nước ngoài đã bị đóng băng.
Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, tỷ lệ nghèo đói của Afghanistan hiện ở mức 72% và có thể lên tới 97% vào giữa năm 2022. LHQ cho biết cứ ba người Afghanistan thì có một người không biết sẽ ăn gì cho bữa tiếp theo.
Triển vọng cải thiện tình hình khủng hoảng nhân đạo này dưới thời chính phủ Taliban có vẻ mong manh.
Một thủ lĩnh bộ tộc ở gần biên giới Tajikaistan cho biết các tay súng Taliban đang yêu cầu nông dân ở đây nộp cho họ ba bữa ăn có thịt mỗi ngày. Nhóm này cũng bắt đầu tịch thu 10% tiền bán hoa màu của nông dân. “Cuộc sống đang trở nên khó khăn hơn dưới quyền cai trị của Taliban”, thủ lĩnh này nói.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Solutions đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Afghanistan tháng trước từ tăng 0,4% thành giảm 9,7% trong năm tài chính này và dự kiến còn giảm thêm trong năm tài chính 2022 dựa trên nguyên nhân mất nguồn hỗ trợ quốc tế cùng với nguy cơ siêu lạm phát do đồng tiền đang suy yếu.
Các bộ ngành dưới sự quản lý của chính phủ lâm thời do Taliban thành lập bắt đầu hoạt động từ tuần trước. Nhằm giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Taliban cam kết sẽ tôn trọng quyền lợi của phụ nữ cũng như đảm bảo an toàn cho những người liên quan đến chính phủ cũ. Thế nhưng, thực tế đã xuất hiện nhiều báo cáo về tình trạng đàn áp bạo lực của các tay súng đối với dân thường.
Đáng chú ý, danh sách các quan chức chính phủ mới còn có một số thành viên đang bị Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã hoặc bị Mỹ trừng phạt, trong khi không có phụ nữ hay đại diện người thiểu số nào được bổ nhiệm.
Những diễn biến này này khiến các nước phương Tây chần chừ ra quyết định mở hầu bao viện trợ. Họ lo ngại việc đàm phán với Taliban về hỗ trợ kinh tế quy mô lớn hoặc giải phóng tài sản có thể dẫn đến việc chính phủ lâm thời này được công nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 13/9 đánh giá nội các toàn gương mặt quen thuộc của Taliban không phải tín hiệu thích hợp cho hợp tác quốc tế. Hay như bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, khẳng định chỉ hứa hẹn là không đủ, phong trào Hồi giáo này cần hành động thực tế. Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan nhanh chóng tiếp viện hàng cứu trợ cho Afghaistan. Qatar cũng lên tiếng thúc giục cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ không ràng buộc cho quốc gia Nam Á này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp trực tuyến hồi tuần trước đã hứa tặng 3 triệu liều vaccine COVID-19 cùng số hàng hóa thiết yếu trị giá 31 triệu US - bao gồm thực phẩm, đồ dự phòng cho mùa đông và thuốc men – cho Afghanistan.