Hai diễn biến quan trọng đẩy xung đột Ukraine vào giai đoạn mới
Động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đẩy cuộc chiến ở Ukraine vào giai đoạn mới.
Mỹ cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga
Theo tờ New York Times ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết ban đầu Ukraine có khả năng sẽ sử dụng ATACMS nhằm vào các lực lượng Nga và lực lượng của bên thứ ba đang hoạt động tại tỉnh Kursk, nhưng Washington cũng có thể cho phép sử dụng các tên lửa này ở các khu vực khác.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cho phép điều này nhưng Mỹ luôn giữ lập trường thận trọng. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước khi ông Donald Trump nhậm chức, Tổng thống Biden đã quyết định ủng hộ yêu cầu của Ukraine.
Trong tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hai bên đã thảo luận về vấn đề phê duyệt các cuộc tấn công tầm xa.
Mặc dù các quan chức Mỹ không kỳ vọng động thái này sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến, nhưng ông Biden muốn giúp Ukraine nhắm vào các mục tiêu quân sự quan trọng của Liên bang Nga và bên thứ ba ở Kursk, đồng thời gửi một thông điệp răn đe tới bên thứ ba.
Các bên đã có phản ứng sau động thái của Mỹ.
Theo kênh Al Jazeera, Nga cho rằng việc Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ của mình đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống Nga của phương Tây và khẳng định sẽ đáp trả tương xứng.
Ngày 17/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nêu rõ quan điểm của Moskva trong vấn đề này. Theo bà Zakharova, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là những quyết định tương xứng để ứng phó với những mối đe dọa mới.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky cảnh động thái của Mỹ đồng nghĩa Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine và do đó sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moskva.
Về phần mình, trong bài phát biểu được phát đi vào tối 17/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết kế hoạch tăng cường cho Ukraine chính là nội dung Kế hoạch chấm dứt xung đột mà ông đã trình bày với các đối tác. Một trong những điểm chính là khả năng nâng tầm xa cho quân đội Ukraine.
Động thái của Mỹ đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các đồng minh.
Anh và Pháp đã ngay lập tức nối gót Mỹ, đồng ý cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP để tấn công Nga.
Tổng thống Ba Lan hoan nghênh quyết định của Mỹ. Ông Andrzej Duda nói: "Tôi hoan nghênh và hài lòng với quyết định này của Tổng thống Joe Biden và các đồng minh. Tôi tin rằng Ukraine phải có phương tiện để tự vệ hiệu quả".
Ngày 18/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ca ngợi quyết định của Mỹ. Ông nói: "Đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Tôi hiểu rằng quyết định này là do có một thay đổi nghiêm trọng trong cuộc xung đột mà không nên đánh giá thấp".
Trong khi đó, quan điểm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về tên lửa tầm xa Taurus vẫn không thay đổi. Hồi tháng 9, Thủ tướng Đức đã cảnh báo việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine sẽ tương đương với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.
Theo hãng tin RIA Novosti, ngay sau khi được Mỹ cho phép, Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào khu vực Bryansk của Nga. Thông tin cho thấy cuộc tấn công diễn ra lúc 3h25 giờ địa phương (tức 7h25 giờ Việt Nam) ngày 19/11. Dữ liệu xác nhận tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong vụ không kích này.
Bộ Quốc phòng Nga cũng nói rằng hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của một cơ sở quân sự ở khu vực Bryansk, gây ra hỏa hoạn, nhưng đã được dập tắt kịp thời. Vụ tấn công không gây thương vong hay thiệt hại.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn tuyên bố của Ukraine cho biết đã tấn công một kho vũ khí quân sự ở Bryansk trong đêm, song không nêu rõ loại vũ khí nào được sử dụng.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng đây là tín hiệu cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột. Phát biểu sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro (Brazil), ông Lavrov đã nhấn mạnh Ukraine sẽ không thể sử dụng tên lửa công nghệ cao này mà không có Mỹ hỗ trợ. Ông cũng nhắc lại lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng quan điểm của Moskva sẽ thay đổi nếu phương Tây ủng hộ việc mở rộng phạm vi tấn công tới 300 km.
Nga phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi
Ngay sau động thái của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 ký sắc lệnh phê chuẩn Cơ sở Chính sách Quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, tức là học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga. Văn kiện này cũng được công bố cùng ngày.
Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này sẽ nhằm vào. Ngoài ra, văn kiện nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung. Moskva bảo lưu quyền xem xét đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí đe dọa chủ quyền, đối với vụ phóng quy mô lớn máy bay, tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào lãnh thổ Nga, đối với trường hợp các vũ khí này vượt qua biên giới Nga hay đối với một cuộc tấn công đồng minh Belarus.
Phiên bản trước của học thuyết hạt nhân này được phê chuẩn tháng 6/2020, thay thế văn kiện tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm.
Giai đoạn mới của cuộc chiến Ukraine
Trang Bloomberg.com nhận định rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang leo thang sau nhiều tháng xung đột đẫm máu. Hai sự kiện nói trên diễn ra vào sáng 19/11 đã khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 và cam kết kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn khiến Ukraine và các đồng minh hành động khẩn trương.
Theo bà Tatyana Stanovaya, một học giả cao cấp tại Trung tâm Carnegie Nga – Eurasia, bối cảnh này dễ khiến tình hình leo thang. Bà cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến cả ông Putin và ông Trump đổ lỗi cho ông Biden về cuộc xung đột ngày càng tồi tệ và làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trực tiếp. Bà nhận định: “Bây giờ là một thời điểm vô cùng nguy hiểm”.
Tin tức này đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào những tài sản an toàn nhất thế giới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm tới bảy điểm cơ bản, trong khi tỷ lệ lợi suất trái phiếu Đức tương đương giảm 11 điểm cơ bản. Các biến động này cũng lan sang thị trường tiền tệ, làm tăng giá đồng yen Nhật và franc Thụy Sĩ.
Dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tìm cách làm dịu lo ngại về một cuộc leo thang hạt nhân, ngay cả khi ông cáo buộc phương Tây đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột. Ông nói: “Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ làm mọi thứ để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Vũ khí hạt nhân trước hết là vũ khí để ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Tuy nhiên, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cảnh báo rằng nếu Moskva bị đe dọa, ông sẽ không ngần ngại một giây nào và sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Vucic cũng nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga không tìm kiếm đối đầu hạt nhân lúc này, khi các lực lượng Nga đang thể hiện tốt trên chiến trường.
Về phần mình, Mỹ đã thông báo rằng sẽ không điều chỉnh lập trường hạt nhân của mình đối với quyết định thay đổi chiến lược của Nga.