Các nước trên thế giới đã hạn chế xe xăng như thế nào?

Câu chuyện cấm xe xăng, dầu đã không còn quá mới mẻ ở nhiều quốc gia. Ngoài các biện pháp cấm triệt để, Chính phủ các nước này đã làm gì để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi xe xanh?

Chính phủ đang tăng tốc trong trong việc hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại đô thị lớn. Theo đó, từ tháng 7/2026, khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) sẽ hạn chế xe máy xăng.

Thực tế câu chuyện giới hạn xe chạy xăng, dầu đã không còn xa lạ tại nhiều quốc gia. Vậy các quốc gia khác đã "cấm" xe động cơ đốt trong như thế nào?

Dựng rào chắn, kiểm soát vật lý

Tại Olso (Na Uy), London (Anh) hay Paris (Pháp), Thẩm Quyến (Trung Quốc), Chính phủ đã ban hành lệnh cấm xe chạy xăng vào các khu vực trung tâm.

Đa số các quốc gia không chọn giải pháp sử dụng rào chắn vật lý mà thường kết hợp với các "chốt mềm" và công nghệ giám sát để hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch đi vào các khu vực trung tâm.

Ví dụ ở London, Chính phủ lắp đặt hệ thống camera ANPR (Automatic Number Plate Recognition) tại các cửa ngõ khu trung tâm để kiểm soát xe lưu thông. Trong trường hợp người dùng điều khiển xe không đạt chuẩn khí thải vào nơi quy định có thể bị phạt khoảng 12,5 GPB/ngày, tương đương gần 17 USD/ngày.

 Hệ thống camera ANPR được lắp tại London (Anh). Ảnh: Clearway.

Hệ thống camera ANPR được lắp tại London (Anh). Ảnh: Clearway.

Tại Madrid (Tây Ban Nha), Chính phủ đã thành lập các chốt kiểm soát mềm để hạn chế lượng xe xăng, dầu đi vào các trục đường chính.

Chính phủ Trung Quốc đã lập các trạm kiểm soát cứng với barrier và nhân viên an ninh ở các tuyến vào trung tâm để kiểm soát phương tiện. Các xe không có giấy phép xanh (xe điện) sẽ bị cấm di chuyển vào những tuyến đường này, trừ khi đăng ký trước trong khung giờ cho phép.

Các giải pháp triệt để, giúp các nước có thể kiểm soát nhanh chóng xe động cơ đốt trong nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở khu vực đó. Chính phủ nhiều nước đã bổ sung các giải pháp mềm hơn.

Ưu đãi thuế cho xe điện, đánh thuế nặng xe xăng

Tại Na Uy, Chính phủ đã đặt mục tiêu 100% xe mới bán ra từ năm 2025 sẽ là xe không phát thải (EV hoặc hydrogen). Dù chưa ban hành luật cấm bán xe xăng mới, quốc gia này đã triển khai loạt giải pháp điều chỉnh mức thuế nhằm hỗ trợ xe điện.

Cụ thể trước năm 2023, người dùng mua xe điện không cần thanh toán thuế giá trị gia tăng (tương đương 25% giá xe ). Ngoài ra, thuế đăng ký lần đầu tính trên dung tích động cơ, phí cầu đường, đỗ xe, di chuyển qua tàu, phà cũng được miễn phí khi người dân chọn mua xe điện.

 Người dân mua xe điện được ưu đãi thuế. Ảnh: NewYork Times.

Người dân mua xe điện được ưu đãi thuế. Ảnh: NewYork Times.

Với xe chạy xăng, mức thuế được tính trên mức độ phát thải CO2. Vì vậy một số mẫu xe có thể bị áp thuế đến hơn 100% giá trị xe gốc, đặc biệt là các ôtô động cơ lớn.

Ví dụ tại Na Uy, Tesla Model Y bản Long Range AWD có giá niêm yết khoảng 53.000 USD. Trong khi chiếc Toyota RAV4 bản 2.5L có giá khoảng 43.000 USD. Sau khi cộng các loại thuế phí, giá lăn bánh của Model Y AWD được giữ nguyên ở mức 53.000 USD, nhưng RAV4 đã tăng thành 65.000 USD.

Không gia hạn đăng ký xe xăng, dầu

Tại Singapore, chủ xe được cấp giấy phép sử dụng xe cá nhân trong 10 năm thông qua hệ thống COE (Certificate of Entitlement). Sau khi hết hạn sử dụng, các mẫu xe chạy xăng, dầu sẽ không được gia hạn. Ngoài ra, các mẫu xe động cơ đốt trong không được đăng ký mới từ năm 2030.

Tại Hà Lan, từ năm 2030, các loại xe không phát thải (bao gồm xe chạy bằng hydrogen hoặc thuần điện) mới được đăng ký mới. Người dân không được mua xe xăng mới và cũng không thể đăng kiểm lại xe động cơ đốt trong cũ.

 Chỉ xe điện được gia hạn đăng kiểm tại Trung Quốc. Ảnh: Lihao.

Chỉ xe điện được gia hạn đăng kiểm tại Trung Quốc. Ảnh: Lihao.

Hiện tại, các thành phố lớn ở Hà Lan gồm Amsterdam hay Rotterdam đã bắt đầu được áp dụng quy định giới hạn đăng ký mới cho xe xăng.

Trong khi đó ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến (Trung Quốc), Chính phủ đã bắt đầu ngừng cấp biển số mới cho xe xăng từ cách đây 1-2 năm.

Giảm phương tiện giao thông cá nhân sử dụng động cơ đốt trong là cách phổ biến để giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn với dân cư đông đúc. Xe điện và phương tiện công cộng được cho là các giải pháp thay thế.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-da-han-che-xe-xang-nhu-the-nao-post1568468.html