Các nước vùng Amazon nhất trí thành lập liên minh chống phá rừng
8 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon đã ký tuyên bố chung, trong đó vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, chống tội phạm có tổ chức.
Ngày 8/8, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon (ACTO) diễn ra ở thành phố Belem, miền Bắc Brazil, 8 quốc gia khu vực Nam Mỹ đã nhất trí thành lập liên minh chống phá rừng ở Amazon, cam kết ngăn chặn không để khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng bị tàn phá đến mức không thể khắc phục được.
Hội nghị đã thông qua "chương trình nghị sự chung mới và đầy tham vọng", theo cách mô tả của nước chủ nhà Brazil, nhằm cứu khu rừng Amazon - vùng đệm quan trọng chống lại biến đổi khí hậu.
Cụ thể, 8 nước thành viên ACTO, gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela, đã ký tuyên bố chung, trong đó vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, chống tội phạm có tổ chức.
Tuyên bố cũng khẳng định các quyền của người bản địa, đồng thời nhất trí hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, sức khỏe, quan điểm đàm phán chung tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ACTO, Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, kéo theo những thách thức, đòi hỏi các nước phải phối hợp chặt chẽ trong hành động. Theo ông, điều này chưa bao giờ cấp thiết đến như vậy.
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro kêu gọi cần xem xét lại nền kinh tế toàn cầu, kêu gọi đưa ra chiến lược kiểu "Kế hoạch Marshall," trong đó xóa nợ cho các nước đang phát triển để đổi lấy hành động bảo vệ khí hậu.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hội nghị vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ nhất của các nhà môi trường và các nhóm bản địa, trong đó có yêu cầu tất cả các nước thành viên nhất trí và làm theo cam kết của Brazil chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hay như đề xuất của Colombia yêu cầu ngừng tất cả hoạt động thăm dò và khai thác dầu mới.
Được thành lập vào năm 1995, ACTO bao gồm các quốc gia Nam Mỹ có chung lưu vực sông Amazon. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau 14 năm của ACTO. Hội nghị được coi là sự kiện "tổng duyệt" cho các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc mà Brazil dự kiến đăng cai vào năm 2025.
Amazon là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài - chiếm khoảng 10% đa dạng sinh học của Trái Đất, cùng 50 triệu người và hàng trăm tỷ cây xanh. Amazon còn là bể chức carbon quan trọng, giúp giảm sự ấm lên của Trái Đất.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo nạn phá rừng đang đẩy khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới đến gần "điểm tới hạn," mà nếu vượt qua ngưỡng đó cây cối sẽ chết và giải phóng carbon thay vì hấp thụ, gây hậu quả thảm khốc cho khí hậu./.