Các nước Vùng Vịnh muốn gì từ Tổng thống Mỹ Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump được Hoàng gia Ả-rập Xê-út chào đón nồng hậu khi đặt chân đến thủ đô Riyadh ngày 13/5. Đón ông tại sân bay là Thái tử Mohammed bin Salman.

Các quan chức Mỹ tháp tùng ông Trump trong chuyến công du này bao gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright.

Thái tử Mohammed bin Salman là một đồng minh quan trọng của ông Trump, người đã tham gia hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ả-rập Xê-út đã nỗ lực vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump, bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên, và là một trong những quốc gia đầu tiên chúc mừng ông Trump sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1.

Tổng thống Trump và phái đoàn Mỹ cùng các quan chức Ả-rập Xê-út đã tham dự một lễ đón nhỏ tại sân bay trước khi lên đường đến khách sạn.

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ đón nhỏ tại sân bay. (Ảnh: AP)

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ đón nhỏ tại sân bay. (Ảnh: AP)

Sự chào đón nồng hậu của Ả-rập Xê-út dành cho ông Trump được thể hiện rõ ràng. Các tuyến phố của Riyadh trên từ sân bay đến trung tâm thành phố được trang trí bằng cờ Mỹ và Ả-rập Xê-út. Các máy bay quân sự F-15 của nước chủ nhà đã hộ tống Không lực Một của ông Trump khi chuyên cơ chuẩn bị hạ cánh. Đoàn xe của ông Trump cũng được hộ tống bởi dàn kỵ binh hùng hậu.

Sau đó cùng ngày, ông Trump được tiếp đón bằng một buổi lễ trang trọng, dùng bữa với giới chức Ả-rập Xê-út và giám đốc điều hành các doanh nghiệp, tiến hành các cuộc họp song phương và ký kết thỏa thuận.

Ông dự kiến sẽ có bài phát biểu tại một diễn đàn, sau đó tham quan các thắng cảnh trước khi dùng bữa tối với thái tử.

Đoàn xe của ông Trump được hộ tống bởi dàn kỵ binh. (Ảnh: AP)

Đoàn xe của ông Trump được hộ tống bởi dàn kỵ binh. (Ảnh: AP)

Theo Nhà Trắng, tiệc trưa của ông Trump với giới chức Ả-rập Xê-út sẽ có sự tham dự của những người đứng đầu các tập đoàn lớn như Amazon, NVIDIA, OpenAI, Palantir, Uber, Coca-Cola, Google và Boeing. Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu Tesla, SpaceX và X, kiêm cố vấn cấp cao của tổng thống Trump, cũng góp mặt.

Tỷ phú Elon Musk tại Ả-rập Xê-út. (Ảnh: Reuters)

Tỷ phú Elon Musk tại Ả-rập Xê-út. (Ảnh: Reuters)

Các nước vùng Vịnh muốn gì từ Mỹ?

Theo CNN, mỗi quốc gia mà Tổng thống Mỹ Trump đặt chân đến đều đã vạch ra một danh sách các ưu tiên.

Ali Shihabi, một nhà bình luận về Ả-rập Xê-út cho biết, các quốc gia Vùng Vịnh đang tìm kiếm sự đảm bảo về cam kết an ninh của Mỹ đối với sự ổn định của khu vực.

Năm ngoái, Mỹ và Ả-rập Xê-út đã gần như hoàn tất một hiệp ước quốc phòng và thương mại. Nhưng thỏa thuận đã bị đình trệ do Ả-rập Xê-út khăng khăng yêu cầu Israel cam kết đi theo con đường hướng tới công nhận Nhà nước Palestine.

Riyadh cũng đang tìm kiếm sự hợp tác của Washington để phát triển một chương trình hạt nhân dân sự, nhưng điều đó đã bị trì hoãn vì Ả-rập Xê-út muốn làm giàu uranium trong nước, làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và Israel về tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân.

Riyadh cần tiếp tục bán dầu để chi trả cho quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng khác. Nhưng Tổng thống Trump đã nói rằng ông muốn giá dầu thấp hơn, khiến ông bất đồng quan điểm với Ả-rập Xê-út.

Ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), đầu tư được coi là trọng tâm trong chiến lược tăng cường quan hệ với Mỹ. Hồi tháng 3, nước này đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1,4 nghìn tỷ đô la trong 10 năm tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng.

"UAE nhìn thấy cơ hội ngàn năm có một để trở thành một bên đóng góp đáng kể vào AI và công nghệ tiên tiến", Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của tổng thống UAE, nói với CNN.

Nhưng sẽ không dễ dàng để Abu Dhabi đạt được mục tiêu đã nêu là trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2031, nếu không có chip của Hoa Kỳ.

Qatar là nơi đặt cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, được Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là "không thể thiếu" đối với các hoạt động quân sự của nước này trong khu vực.

Qatar cũng là một bên trung gian quan trọng trong một số cuộc xung đột - từ cuộc chiến ở Dải Gaza đến Afghanistan. Các chuyên gia cho biết đây, việc Qatar xung phong làm trung gian là một phần trong nỗ lực duy trì tầm quan trọng của nước này trong mắt Washington.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cac-nuoc-vung-vinh-muon-gi-tu-tong-thong-my-trump-post1741953.tpo