Các nước xử lý phương tiện gây ô nhiễm thế nào?

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do khói bụi thải từ phương tiện giao thông đang diễn ra ở nhiều nước. Để đối phó với tình trạng này, các nước đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Vòi rồng được phun trước một tòa nhà ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Vòi rồng được phun trước một tòa nhà ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Những năm gần đây, thủ đô Bangkok của Thái Lan liên tiếp trải qua những đợt ô nhiễm, khi nồng độ bụi mịn bằng và nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) ở nhiều khu vực vượt quá ngưỡng an toàn tối đa là 50 microgram/m3, có hại cho sức khỏe.

Giới chức buộc phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp như hạn chế xe tải lớn, sử dụng súng phun hơi nước tại những khu vực có mật độ ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Niroj Jampadaeng, Giám đốc Quan hệ công chúng thuộc Lực lượng Không quân Thái Lan cho biết: "Việc phun nước sẽ giúp các hạt kết hợp với nhau và khiến chúng rơi xuống đất, giống như mưa giúp làm sạch khói bụi và ô nhiễm."

Mới đây, ngành giao thông Thái Lan công bố 7 biện pháp kiểm soát nguồn phát tán bụi mịn PM2.5.

Cụ thể: Ngừng gia hạn đăng kiểm những phương tiện phát thải vượt quá các ngưỡng PM2.5; triển khai nhiều nhân viên kiểm tra khí thải phương tiện; phối hợp với Cục Kiểm soát Ô nhiễm để kiểm tra khí thải phương tiện; các trung tâm được cấp phép kiểm tra xe hơi phải kiểm tra lượng PM2.5 thải ra từ ô tô; thanh tra mức độ khí thải phương tiện của các công ty vận tải; lập đường dây nóng và một trang trên mạng xã hội để người dân đưa ra những kiến nghị và báo cho nhà chức trách về những phương tiện thải khói đen; và làm việc với các công ty tư nhân cũng như các hiệp hội liên quan đến xe buýt và xe chở khách công cộng nhằm cải thiện việc kiểm tra khí thải.

Các phương tiện xả thải quá mức cho phép, lái xe sẽ bị phạt 5.000 baht (khoảng 3,8 triệu đồng); bị đánh dấu bằng sơn để cấm lưu hành. Lệnh cấm này sẽ chỉ được hủy sau khi chủ xe sửa lại động cơ để giảm khí thải PM2.5.

Tương tự Thái Lan, thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng đang bị bao phủ trong lớp khói mù dày đặc độc hại ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Nhà chức trách New Delhi phải áp dụng biện pháp "biển số chẵn - lẻ" trong vòng 2 tuần. Theo đó, xe mang biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ; nhằm giảm 1,2 triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày. Nếu vi phạm sẽ bị phạt 4.000 rupee (tương đương 1,3 triệu đồng).

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc tăng ngân sách để giải quyết ô nhiễm, kiểm soát số lượng phương tiện lưu thông, tạm dừng các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, các biện pháp này là chưa đủ. Anh Lee Jieon – thuộc Liên đoàn phong trào môi trường Hàn Quốc cho biết: “Việc tăng ngân sách để đối phó với bụi mịn cho thấy chính phủ muốn giải quyết vấn đề này nghiêm túc. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, thiếu các giải pháp lâu dài để giảm các nguồn gây ra khói bụi”.

Được biết, đầu tháng 11 vừa rồi, Hàn Quốc cấm các phương tiện không thiết yếu lưu thông cách ngày trong khu vực thủ đô và 6 thành phố khác trong bốn tháng bắt đầu từ tháng 12 này. Ngoài ra, ô tô chạy diesel sản xuất trước năm 2005 bị cấm trong khu vực thủ đô từ tháng 3 năm sau. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các giải pháp dài hạn, như tăng số lượng xe điện và hydro lên 1/3 trong tổng số phương tiện trong 10 năm tới.

Còn tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, từ năm 2017, hạn chế số lượng phương tiện giao thông mức 6 triệu đơn vị; thiết lập các hệ thống giao thông xanh, ưu tiên phát triển và khuyến khích người dân sử dụng các giao thông công cộng; thắt chặt tiêu chuẩn xả thải và tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu; kiểm tra thường xuyên phương tiện có khả năng gây ô nhiễm, loại bỏ phương tiện đời cũ; kêu gọi chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng sạch.

Nhờ đó, Bắc Kinh đã ra khỏi danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất ở châu Á trong những năm gần đây.

Còn tại Việt Nam, ở góc độ phương tiện giao thông, TS Lê Ngọc Cầu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường, Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đưa ra một số biện pháp cải thiện chất lượng không khí:

“Đầu tư phát triển GTCC, khuyến khích người dân đi GTCC sẽ có tác dụng rõ rệt. Bên cạnh đó, cần đưa ra các quy định về xây dựng cây xanh, không gian mở các khu đô thị, thực hiện chính sách kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy triệt để. Cũng cần đầu tư hệ thống tích hợp hệ thống quan trắc môi trường không khí với khí tượng thủy văn để có đánh giá, nhận định chính xác hơn”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo chỉ số bụi mịn PM2.5 trong không khí thời gian gần đây ở các tỉnh miền Bắc và Hà Nội rất cao, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin có biện pháp tự bảo vệ. Người nhạy cảm với sức khỏe như người già, trẻ em nên hạn chế ra đường, đặc biệt trong buổi sáng khi đi tập thể dục.

Theo VOV giao thông

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/cac-nuoc-xu-ly-phuong-tien-gay-o-nhiem-the-nao-d84848.html