Các ông chồng không nên né tránh việc nhà

Làm việc nhà là vấn đề liên quan đến thái độ, các ông chồng thường không bận tâm tới việc nhà, cho rằng chúng không đáng để mình làm.

Khi một gia đình mới hình thành, việc nhà cũng theo đó xuất hiện. “Nam chủ ngoại, nữ chủ nội” là mô hình chủ yếu nhất trong gia đình, đa số việc nhà đều do người vợ xử lý, rất ít có người chồng nào thật sự cảm nhận được sự vụn vặt và mệt mỏi khi làm việc nhà.

Một người chồng tốt, một người chồng ân cần, nên cố gắng tham gia vào các công việc trong nhà, đưa ra nhiều lời khuyên và giúp đỡ vợ trong việc nhà, tốt nhất là có thể làm giúp vợ một vài việc, không được phân chia rõ ràng em làm gì, anh làm gì, gia đình là chung, việc nhà cũng nên cùng nhau gánh vác.

Kết hôn khiến hai bên nam nữ đi đến với nhau, nhưng mức độ ảnh hưởng mà họ phải chịu đối với sự nghiệp thì lại rất khác nhau: Thời gian người vợ dành cho sự nghiệp giảm đi, thời gian và tinh thần cũng buộc phải phân chia, tức là vừa phải giải quyết công việc của mình, lại vừa phải làm người phụ nữ của gia đình, làm mẹ. Còn người chồng thì có thể một lòng một dạ, toàn tâm toàn lực theo đuổi thành công trong sự nghiệp của mình, thời gian dành cho công việc sẽ nhiều hơn.

Các nhà xã hội học phát hiện, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhưng thời gian những người phụ nữ đã có gia đình dành cho việc nhà không hề thay đổi.

 Nhiều ông chồng nghĩ việc nhà không phải việc của đàn ông, nên dồn hết những công việc đó cho vợ. Nguồn: Time.

Nhiều ông chồng nghĩ việc nhà không phải việc của đàn ông, nên dồn hết những công việc đó cho vợ. Nguồn: Time.

Ở Mỹ, thời gian mà những người phụ nữ của gia đình dành cho việc nhà trung bình là 53 giờ mỗi tuần, giống với bà ngoại của họ. Tình hình ở Trung Quốc cũng không có gì khác biệt. Theo thống kê, sau khi có con, lượng việc nhà của người vợ sẽ tăng từ 5% đến 10%, trong khi đó tỷ trọng cống hiến của người chồng trong việc nhà thì lại giảm đi.

Làm việc nhà là vấn đề liên quan đến thái độ, các ông chồng thường không bận tâm tới việc nhà, cho rằng chúng không đáng để mình làm. Cuộc sống do những công việc nhà ấy xâu chuỗi lại với nhau, nếu không phải vợ các anh làm tất cả cho các anh, sao các anh có thể có được cuộc sống vừa thoải mái lại vừa ngăn nắp trật tự được?

Người chồng ân cần sẽ không cho rằng việc nhà không liên quan đến mình, thay vợ làm một số việc nhà, để cô ấy được giải thoát khỏi đống việc nhà không bao giờ làm hết, có thời gian quan tâm tới sự nghiệp và sở thích, cho dù chỉ là để cô ấy nghỉ ngơi một chút, có thời gian để thở thôi?

Sau khi kết hôn anh luôn sống cuộc sống “hầu sẵn tận miệng”, mặc dù vợ anh có nhiều “bất mãn” với anh, nhưng cằn nhằn vài câu xong cũng thôi. Không phải anh không ân cần với vợ, chỉ là nghĩ rằng những công việc nhà ấy không phải là việc mà một người đàn ông nên làm, ở những mặt khác quả thực anh cũng rất cố gắng, nhưng “sự kiện bất ngờ” ấy đã thay đổi thái độ của anh.

Vợ anh vì công việc cần đi học ở nơi khác nửa tháng, trước lúc đi nói với anh: “Em giao mọi việc cho anh, anh phải chăm sóc các con thật tốt, trông nom nhà cửa thật tốt…”.

Sau hàng ngn hàng vạn lời căn dặn, vợ vẫn không yên tâm, viết giấy nhớ cho anh. Anh cầm lấy xem, lập tức cảm thấy công việc “quản gia” này mới “bó tay” làm sao. Trên đó viết:

6:30, dậy nấu bữa sáng; 7:00, đánh thức con dậy; 7:30, đưa con đi học.

Sau khi tan làm nhớ mua thức ăn, đón con về nhà. Nấu xong bữa tối trước bảy giờ, đừng để con đói bụng.

Xem dự báo thời tiết đúng giờ, nhắc con ngày mai mặc quần áo gì. Kèm con học bài, cho con đi ngủ đúng giờ.

Hàng sáng tưới hoa, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác, lấy báo.

Kịp thời bổ sung đồ ăn trong tủ lạnh, nấu ăn phải cân bằng dinh dưỡng, không được lúc nào cũng cho con đi ăn McDonald’s.

Tiếp đó quần áo phải được giặt kịp thời.

Mỗi tuần tổng vệ sinh một lần.

Sau khi vợ đi, anh bắt đầu nhìn giấy nhớ mà sống. Ngày đầu tiên, anh thấy hứng thú; ngày thứ hai, anh mệt tới mức hoa mắt chóng mặt; một tuần sau, anh cảm thấy mình đã già đi mười tuổi; sau hai tuần, anh cảm thấy mình sắp phát điên.

Vợ anh đã trở về vào khoảnh khắc anh gần như sụp đổ, giống như chúa cứu thế, cứu vớt anh khỏi cuộc sống hỗn độn. Đánh giá vợ anh dành cho anh là: thiếu ý chí, cần cố gắng hơn.

Từ đó về sau, anh thật sự thay đổi, không né tránh việc nhà nữa. Bởi vì anh được trải nghiệm sự vất vả của vợ sau khi tan làm vẫn phải làm việc nhà, thức ăn bày trên bàn ăn nhìn thì đơn giản nhưng thực ra không dễ dàng chút nào. Nỗi gian khổ này anh phải gánh vác với vợ, còn thường xuyên chủ động yêu cầu được rèn luyện bản thân trong khói bếp.

Cứ như vậy, thời gian anh và vợ ở cạnh nhau nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn, cuộc sống hòa thuận hơn trước đây, phòng bếp thường vang lên tiếng cười nói hạnh phúc của họ.

Ân cần không phải là chỉ nói miệng. “Kề vai sát cánh” với vợ không thể chỉ trong hoàn cảnh tốt đẹp, trong không gian lãng mạn, mà còn phải cùng cô ấy “tiến lui có nhau” trước những công việc vụn vặt trong gia đình.

Việc nhà vĩnh viễn “không cắt được, không hết được”, người chồng tốt sẽ đặt sự ân cần của mình ở chỗ thực tế nhất, chia sẻ việc nhà với vợ chính là sự ân cần thực tế nhất người chồng dành cho vợ.

Những nơi bình thường nhất là nơi thích hợp cho tình yêu nảy nở nhất. Cùng vợ làm việc nhà, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ, cuộc sống ở ngay trước mắt các bạn, tình yêu ở ngay bên cạnh các bạn. Quan trọng hơn là, những lúc ấy, vợ bạn thật sự cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của bạn, từ đó đáp lại bằng càng nhiều hạnh phúc hơn.

Trác Nhã / Quảng Văn Books & NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ong-chong-khong-nen-ne-tranh-viec-nha-post1338614.html