Các ông lớn LNG thúc đẩy đầu tư xanh trong lĩnh vực khí đốt
Các khoản đầu tư hiện tại vào cơ sở hạ tầng khí đốt đang thiếu những gì cần thiết, trong khi nguồn nhiên liệu này đóng vai trò quan trọng trong cả an ninh năng lượng toàn cầu và quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng không, Reuters trích dẫn các quan chức tại một hội nghị công nghiệp ở Nhật Bản.
Các nhà cung cấp lớn trong những năm gần đây đã thúc đẩy việc sử dụng khí đốt làm nhiên liệu chuyển tiếp nhằm hỗ trợ sự phát triển của năng lượng sạch vì các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời phải đối mặt với các yếu tố kỹ thuật như nguồn cung không liên tục. Tuy nhiên, động thái này bị các nhà bảo vệ môi trường phản đối gay gắt.
Những lo ngại về an ninh năng lượng cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do Nga xung đột với Ukraine vào năm 2022.
Trong video phát biểu tại Hội nghị Nhà sản xuất - Người tiêu dùng LNG ở Tokyo, Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Mohamed Al Mazrouei nói rằng cho đến nay, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn là chưa đủ.
Ông Suhail Mohamed Al Mazrouei nhấn mạnh: “Thiếu đầu tư đang ảnh hưởng đến cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng của họ cũng như tăng trưởng kinh tế”.
"Liệu chúng ta có đầu tư đủ vào khí đốt và LNG để trang trải cho việc chuyển đổi tất cả các nhà máy than trên thế giới sang khí đốt không? Câu trả lời là không", ông nói.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khẳng định rằng khí đốt có vai trò lâu dài trong thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt giảm lượng khí thải từ việc khai thác khí đốt.
Vị giám đốc cho hay: “Thách thức là làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu ngắn hạn về nguồn cung khí đốt bổ sung khi thị trường toàn cầu biến động, với (nhu cầu) dài hạn hơn là đạt được các mục tiêu khí hậu của chúng ta”.
“Chúng tôi nghĩ rằng cần có các chiến lược để chứng minh các khoản đầu tư trong tương lai vào cơ sở hạ tầng khí đốt, bằng cách kết hợp các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị hoặc bằng cách cho phép tích hợp khí phát thải thấp”, ông Fatih Birol nói.
Rủi ro rò rỉ khí mê-tan
Một lập luận hàng đầu chống lại khí đốt tự nhiên là mối đe dọa do rò rỉ khí mê-tan, thành phần chính của khí tự nhiên, từ các cơ sở hạ tầng.
Ngành năng lượng toàn cầu năm ngoái đã thải vào khí quyển khoảng 135 triệu tấn khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và Liên minh châu châu Âu (EU) đã ký một tuyên bố chung trong hội nghị để hỗ trợ các biện pháp giảm thiểu khí mê-tan.
“Sáng kiến này là sự hợp tác chưa từng có giữa các ông lớn năng lượng để đạt được chuỗi giá trị năng lượng sạch hơn bằng cách giao việc giảm lượng khí thải mê-tan cho các nhà khai thác năng lượng”, ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, phát biểu tại hội nghị.