Các phóng viên đã ghép nối các chi tiết vụ ám sát ông Trump như thế nào?
Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên sân khấu tại một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania vào ngày 13/7, tờ Washington Post chỉ có hai nhà báo có mặt ở đó, ngoài ra có thêm 30 - 40 người khác theo dõi buổi mít tinh từ xa chờ đợi có điều gì đó đáng đưa tin, chẳng hạn như thông báo về việc chọn ứng viên phó tổng thống.
Chưa đầy 10 phút sau, tiếng súng vang lên. Các mật vụ đã nhanh chóng đưa ông Trump, người bị đạn sượt qua tai, rời khỏi sân khấu. Đến cuối buổi mít tinh, số lượng nhà báo của Washington Post làm việc cho sự kiện này đã tăng lên từ 200 đến 250 người.
Việc đưa tin về vụ ám sát nhằm gây thương tích cho một cựu Tổng thống Mỹ đang tái tranh cử là một sự kiện vô cùng to lớn. Hàng trăm nhà báo, có lẽ còn nhiều hơn, đã làm việc suốt ngày đêm kể từ ngày 13/7, tỉ mỉ xác nhận các chi tiết về vụ ám sát giữa loạt tin đồn và thuyết âm mưu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Đưa tin đúng thay vì nhanh
Các phóng viên trước tiên phải xác định nguồn gốc của những tiếng động đã xảy ra trước khi Cơ quan Mật vụ đưa ông Trump ra khỏi sân khấu. Phó tổng biên tập tờ Washington Post, Mark W. Smith, cho biết thông tin chỉ giới hạn ở những gì các nhà báo có thể thấy.
Vào thời điểm đó, tất cả những gì họ thấy là ông Trump chạm vào tai mình trước khi các nhân viên của Cơ quan Mật vụ hộ tống ông rời sân khấu. Họ vẫn chưa thể xác nhận rằng những tiếng động đó là tiếng súng, và mặc dù họ có thể nhìn thấy tai phải chảy máu của ông Trump, họ vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân.
Smith cho biết, các phóng viên sẽ không đưa tin nếu chưa có xác minh chính thức về vụ việc từ các quan chức hoặc chính ông Trump và chiến dịch của ông. "Vì vậy, tất nhiên, mọi thứ bắt đầu bằng chính xác những gì chúng tôi đã thấy. Và sau đó chúng tôi bắt đầu đưa vào xác nhận chính thức", ông nói.
Smith cho biết tờ Washington Post đã được hỗ trợ rất nhiều bởi phóng viên chính trị quốc gia Isaac Arnsdorf và phóng viên ảnh Jabin Botsford tại hiện trường. Họ có thể nói chuyện trực tiếp với lực lượng thực thi pháp luật tại đó, điều này giúp tờ báo đưa tin nhanh hơn. Botsford cũng đeo kính có gắn camera, cung cấp cho tờ Post cảnh quay video theo góc nhìn của anh ngoài những hình ảnh anh đã chụp bằng máy ảnh.
Việc đưa tin thận trọng của giới truyền thông đã thu hút sự chỉ trích từ phía cánh hữu, những người cáo buộc các phương tiện truyền thông hạ thấp vụ ám sát. Nhưng khi các phương tiện truyền thông ban đầu mô tả tiếng súng là "tiếng động lớn" hoặc "tiếng nổ", họ không cố gắng che giấu sự kiện mà đang tránh suy đoán trong tình hình tin tức hỗn loạn.
"Là một biên tập viên tin nóng, tôi luôn có quan điểm 'thà đúng còn hơn là người đầu tiên', và đôi khi cũng không sao nếu lùi lại một bước", Molly Eichel, Phó tổng biên tập phụ trách đưa tin trực tiếp và tin nóng của Philadelphia Inquirer, cho biết.
"Cũng không sao nếu chậm lại một chút, đặc biệt là khi chúng ta không có những nguồn chính thống... bởi vì nếu chúng ta không đúng, chúng ta sẽ không phục vụ được độc giả của mình".
Xác định địa lý
Phóng viên Aric Toler trong nhóm điều tra hình ảnh của tờ New York Times cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của anh khi nghe về vụ nổ súng là xác định địa lý hiện trường. So với các cuộc điều tra mà anh đã thực hiện về các sự kiện ở những nơi khác trên thế giới, như Gaza, công việc của anh trong trường hợp này, một khu hội chợ tại thị trấn nhỏ ở Pennsylvania, khá đơn giản.
"Có hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cực cao, có Google Street View, cũng như hàng triệu camera của những người tham dự sự kiện. Khi có người nói rằng thấy một gã trên mái nhà, thì không khó để tìm ra tên này đang ở trên mái nhà nào vì không có nhiều mái nhà như vậy", Toler nói.
Tờ New York Times đã tập hợp một dòng thời gian trực quan và video cho thấy diễn biến vụ ám sát. Để xác định vị trí của kẻ ám sát, các nhà báo đã xem lại cảnh quay về thi thể của hắn trên mái của một tòa nhà. Sau đó, họ xác định tòa nhà và thấy nó trùng khớp với vị trí có khả năng xảy ra vụ việc, dựa trên vị trí của ông Trump và vết thương của ông.
Các nhà báo của tờ NYT cũng đã làm việc với một chuyên gia về âm học của Đại học Montana State để phân tích âm thanh của tiếng súng, nhằm xác định rằng các phát súng có khả năng đến từ cùng một vị trí với thi thể nghi phạm.
Xác định danh tính nghi phạm
Sau vụ ám sát hụt, trọng tâm của cả giới truyền thông và công chúng là danh tính hung thủ. FBI đã xác định Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, là kẻ nổ súng, mặc dù họ vẫn đang nỗ lực xác định động cơ của hắn.
New York Post là trang báo đầu tiên đưa tin về tên của kẻ xả súng, song tờ báo này đã đưa tin sai về danh tính kẻ xả súng trước đó. Với trang tin Inquirer, các nhà báo đã ghi nhận nhưng không đưa tin lại thông tin đó vì cần thêm xác minh, nhưng họ vẫn bắt đầu tìm hiểu về lý lịch của Crooks.
Sử dụng LexisNexis, một cơ sở dữ liệu mà nhiều nhà báo sử dụng có chứa hồ sơ công khai và lưu trữ tin tức, phóng viên Jeremy Roebuck đã biên soạn một báo cáo bao gồm địa chỉ của Crooks, việc đăng ký Đảng Cộng hòa của hắn, thông tin về người thân và các chi tiết khác.
Các nhà báo trên khắp thế giới cũng làm như vậy. Phóng viên chính trị Prem Thakker của Intercept đã đăng trên X ảnh chụp màn hình từ trang web dịch vụ cử tri của Pennsylvania và cơ sở dữ liệu công khai của Ủy ban bầu cử liên bang về các đóng góp chính trị của cá nhân, cho thấy Crooks là một đảng viên Cộng hòa đã đăng ký và đã quyên góp 15 USD cho PAC ActBlue, một ủy ban hành động chính trị gây quỹ cho các chính trị gia thiên tả và Dân chủ vào năm 2021.
Sử dụng tài liệu cơ bản mà Roebuck đã biên soạn, nhà nghiên cứu tin tức Ryan W. Briggs của Inquirer và phóng viên tin nóng Max Marin đã biên soạn một danh sách những người có thể biết Crooks, bao gồm gia đình, hàng xóm và bạn học trung học, và bắt đầu gọi điện. Họ chọn làm việc qua điện thoại thay vì đến trực tiếp bởi họ hiểu rằng các phương tiện truyền thông có thể sẽ đổ xô đến nhà của nghi phạm. Bài viết của Inquirer về Crooks bao gồm các cuộc phỏng vấn với các bạn cùng lớp trung học.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết về động cơ của Crooks và các tình tiết xung quanh vụ ám sát. Ví dụ, nhiều người đang đặt câu hỏi về phản ứng chậm chạp của Mật vụ Mỹ và việc một kẻ khả nghi như Crooks có thể đến gần ông Trump như vậy, chứ chưa nói đến việc bắn ông.