Các phương pháp điều trị bệnh Crohn

Bệnh Crohn là bệnh viêm đường ruột mạn tính, có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hoàn toàn, mà chỉ điều trị giúp giảm triệu chứng lâu dài...

1. Các biện pháp điều trị bệnh Crohn

Do chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Crohn, do đó vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu nào điều trị khỏi hoàn toàn và cũng không có phương pháp điều trị nào phù hợp với tất cả người bệnh.

Mục tiêu của điều trị là giảm viêm gây ra các triệu chứng cho người bệnh, hạn chế biến chứng và thuyên giảm các triệu chứng lâu dài. Tùy từng mức độ bệnh mà bác sĩ lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp:

Bậc 1: Gồm các thuốc chống viêm masalazin, kháng sinh, men tiêu hóa.
Bậc 2: Sử dụng corticoid, budesonide.
Bậc 3: Dùng thuốc ức chế miễn dịch, azathioprine, methotrexate…
Bậc 4: Dùng các thuốc sinh học infliximab, adalimumab, ustekinumab...
Bậc 5: Phẫu thuật khi có các biến chứng thủng, hẹp, rò, áp xe…

Thuốc sinh học được xem là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân Crohn mức độ vừa- nặng, có nhiều yếu tố tiên lượng xấu đã đem lại hiệu quả điều trị rất tốt.

Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

2. Sử dụng thuốc đối với bệnh Crohn

- Thuốc chống viêm: Các loại thuốc này giúp giảm viêm, tuy nhiên cũng nhắm vào hệ thống miễn dịch nên cũng tạo ra các chất gây viêm. Đối với một số bệnh nhân, khi kết hợp các loại thuốc này cho thấy hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng đơn lẻ một loại thuốc đơn thuần.

- Thuốc kháng sinh: Có thể làm giảm lượng thoát nước và giúp chữa lành lỗ rò và áp xe ở người mắc bệnh Crohn. Kháng sinh cũng giúp giảm vi khuẩn đường ruột có hại đóng vai trò kích hoạt hệ thống miễn dịch đường ruột, dẫn đến viêm.

- Chống tiêu chảy: Bằng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, làm tăng số lượng phân sẽ giúp giảm các triệu chứng tiêu chảy nhẹ đến trung bình.

- Thuốc giảm đau: Đối với cơn đau nhẹ, bác sĩ có thể khuyên dùng acetaminophen. Không sử dụng thuốc giảm đau ibuprofen, naproxen natri.

- Bổ sung sắt: Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu đường ruột mạn tính, có thể dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt, do đó cần phải bổ sung sắt.

- Bổ sung vitamin B12: Vitamin B12 giúp ngăn ngừa thiếu máu, thúc đẩy tăng trưởng và và rất cần thiết cho chức năng của dây thần kinh. Bệnh Crohn dẫn đến thiếu vitamin B12 nghiêm trọng, do đó người bệnh có thể được chỉ định tiêm vitamin B12. Ngoài ra cần bổ sung canxi và vitamin D.

- Điều trị tiêu chảy: Trường hợp bệnh Crohn chỉ gây tiêu chảy nhẹ, có thể chỉ cần theo dõi kết hợp bổ sung nước, dung dịch oresol bù khoáng và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tránh mất nước.

Nếu bệnh Crohn gây tiêu chảy nghiêm trọng, kéo dài trên 3 ngày, bệnh nhân cần điều trị với các thuốc kháng sinh metronidazole hoặc ciprofloxacin; thuốc kháng viêm corticosteroid; thuốc ức chế miễn dịch mercaptopurine, azathioprine,…

Ngoài dùng thuốc điều trị, để tăng cường sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng viên uống bổ sung canxi, sắt, vitamin. Nếu xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc giảm đau.

- Phẫu thuật điều trị bệnh Crohn: Khi điều trị bằng thuốc kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhưng không giúp kiểm soát bệnh dẫn tới các biến chứng như hẹp, áp xe, rò, thủng ruột... bệnh nhân sẽ có chỉ định phẫu thuật. Phương pháp này ít được thực hiện, sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc giảm triệu chứng, tăng phục hồi và giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Sử dụng thuốc nhằm giảm triệu chứng lâu dài và hạn chế biến chứng do bệnh Crohn.

Sử dụng thuốc nhằm giảm triệu chứng lâu dài và hạn chế biến chứng do bệnh Crohn.

3. Lưu ý với bệnh nhân mắc bệnh Crohn

- Chế độ ăn: Những thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh và kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát. Một số thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Nếu sau khi ăn mà các triệu chứng của bệnh bùng phát thì nên loại thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn.

Một số thực phẩm có nguy cơ cao khiến triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn như:

Sữa và các sản phẩm từ sữa.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau quả tươi và ngũ cốc.
Các thực phẩm cay, nồng, nhiều gia vị, rượu, caffeine, đồ uống có gas...
Hút thuốc lá.

Người bệnh nên có chế độ ăn:

Các loại thực phẩm ít chất béo.
Ăn nhiều bữa nhỏ, thực phẩm mềm, nấu nhừ.
Uống nhiều nước.
Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập thư giãn và tập thở.

Sau điều trị, mặc dù không còn triệu chứng nhưng vẫn cần theo dõi và tái khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh tái phát.

Những bệnh lý về đường tiêu hóa.

ThS.Nguyễn Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-benh-crohn-169240801074849598.htm