Các phương pháp điều trị suy thận mạn tính

Suy thận mạn tính là bệnh lý nặng và thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ. Việc điều trị sẽ giúp chậm sự phát triển của bệnh, nhiều bệnh nhân có thể sống trong rất nhiều năm. Điều quan trọng là cần chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm sẽ giúp ngăn chặn sớm những tổn thương thận.

Suy thận mạn nguy kịch vì không tuân thủ điều trị

Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vừa cấp cứu thành công bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối biến chứng nặng do bỏ chạy thận và không tuân thủ chế độ ăn uống.

Bệnh nhân Đ.T.Y. (57 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhập viện trong tình trạng khó thở dữ dội, phù toàn thân, vật vã kích thích. Các chỉ số sinh tồn ở mức nguy hiểm: huyết áp 210/110 mmHg, nhịp tim 120 lần/phút, nhịp thở 35 lần/phút, SpO2 chỉ còn 80%.

Bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại Khoa Nội thận Thận nhân tạo, với lịch chạy thận 3 buổi/tuần do suy thận mạn giai đoạn cuối, kèm theo tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu mạn và đái tháo đường type 2. Nguyên nhân khiến bệnh nhân nguy kịch là do bỏ chạy thận và ăn uống không kiểm soát. Điều này khiến lượng nước tích tụ trong cơ thể tăng vượt mức cho phép, gây quá tải tuần hoàn và phù phổi cấp - tình trạng có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Sau 4 giờ lọc máu cấp cứu, kiểm soát huyết áp và hỗ trợ hô hấp, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện đáng kể và qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch chạy thận 3 lần/tuần. Kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống và lượng nước uống mỗi ngày. Theo dõi cân nặng thường xuyên giữa các lần lọc máu để phát hiện sớm tình trạng tích nước. Dùng thuốc đúng đơn, không tự ý bỏ thuốc.

Do bệnh thận mạn tính diễn tiến âm thầm, nên chúng ta cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở những người có nguy cơ cao như : Đái tháo đường, tăng huyết áp

Do bệnh thận mạn tính diễn tiến âm thầm, nên chúng ta cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở những người có nguy cơ cao như : Đái tháo đường, tăng huyết áp

Suy thận mạn điều trị như thế nào?

Mục tiêu của việc điều trị tình trạng này là nhằm chuẩn bị điều trị thay thế thận khi người bệnh tiến triển đến giai đoạn thận bị suy nặng; điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận; điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, điều trị các biến chứng tim mạch, rối loạn nước điện giải và các yếu tố nguy cơ.

Từng trường hợp cụ thể, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp, quan trọng bệnh nhân cần tuân thủ điều trị không chỉ giúp người bệnh sống khỏe mà còn giảm biến chứng, tiết kiệm chi phí và giảm gánh nặng cho gia đình.

Đối với các suy thận mạn giai đoạn sớm thường các bác sĩ sẽ tập trung điều chỉnh các nguyên nhân gây bệnh thận mạn, kiểm soát huyết áp, chế độ ăn, sinh hoạt hợp lý.

Còn với các giai đoạn muộn (giai đoạn 4,5) thường ngoài việc tiếp tục các điều trị trên, bệnh nhân cần được tư vấn, chuẩn bị điều trị thay thế thận.

Hiện nay, có 3 cách điều trị thay thế thận là: ghép thận, lọc màng bụng, lọc máu (chạy thận nhân tạo).

Với ghép thận thì thường sẽ tốn kém về chi phí và cần có thận phù hợp để ghép, tuy nhiên lợi thế của nó là giúp bệnh nhân có thể phục hồi tốt chức năng thận gần về với mức bình thường.

Lọc màng bụng thì bệnh nhân có thể thực hiện cùng với người nhà tại nhà sau khi được hướng dẫn đầy đủ. Lọc máu thì bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế định kỳ thường là 3 lần trong tuần.

Với các bệnh nhân ở giai đoạn 4 và 5 thường nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thận để điều trị theo khuyến cáo. Nhìn chung, nếu tình trạng thận ngày một xấu đi, cho tới khi còn lại dưới 15% chức năng thận bình thường, bệnh nhân đã đi vào suy thận giai đoạn cuối. Điều này có nghĩa là cơ thể không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, lúc này cần được lọc máu hoặc ghép thận. Thầy thuốc sẽ bàn luận với bệnh nhân trước khi chức năng thận đi vào giai đoạn cuối. Vì vậy bệnh nhân sẽ có thời gian để lên kế hoạch cho lựa chọn của mình.

Tóm lại: Do bệnh thận mạn tính diễn tiến âm thầm, nên chúng ta cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở những người có nguy cơ cao như : Đái tháo đường, tăng huyết áp, người lớn tuổi, có tiền căn bệnh thận trước đó. Để tầm soát bệnh sớm thường các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm 2 thận để tìm các dấu hiệu bất thường của thận. Từ đó nếu có triệu chứng, các bác sĩ có thể điều chỉnh sớm hơn, làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh để bệnh có thể hồi phục hoặc chậm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối lâu nhất có thể.

Để phòng ngừa bệnh thận mạn, mọi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, trong đó cần chú ý vấn đề uống đủ nước (thường nhu cầu nước cơ thể cần khoảng 2 lít/ngày), ăn lạt (ít muối), với những người có nguy cơ bệnh thận mạn (tăng huyết áp, đái tháo đường,…) thì cần đi xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm,.. khám định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng, từ đó có những can thiệp kịp thời kiểm soát thận tốt hơn.

BS Nguyễn Văn Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-suy-than-man-tinh-16925051116254674.htm