Những tiến bộ trong điều trị sỏi thận
Bệnh sỏi tiết niệu đang trở thành một vấn đề y tế ngày càng đáng lo ngại tại các đô thị lớn. Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân của người dân mà còn tạo ra áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế. Đáng báo động, sỏi thận nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, thậm chí đe dọa tính mạng.

Bác sĩ áp dụng kỹ thuật tán sỏi qua da.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam dao động từ 2-12% dân số; trong đó, sỏi thận chiếm khoảng 40%. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tỷ lệ mắc cao, nguyên nhân chủ yếu do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lối sống hiện đại khiến người dân ít vận động, ăn uống nhiều đạm, muối.
Những năm gần đây, nhiều bệnh viện lớn, tiêu biểu là Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong điều trị sỏi thận, như: Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ (mini-PCNL), tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm (RIRS), hay tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL). Đây là các phương pháp “ít xâm lấn” giúp giảm đau, rút ngắn thời gian hồi phục và tránh được phẫu thuật mổ mở truyền thống.
Chị T.T (53 tuổi, ngụ Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng đau tức vùng hông lưng bên trái một tháng nay. Siêu âm tại cơ sở y tế địa phương cho thấy, chị có sỏi san hô thận trái là một loại sỏi thận phức tạp. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu tại khoa Tiết niệu, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Chỉ sau 1,5 giờ phẫu thuật, khối sỏi được loại bỏ gần như hoàn toàn, mất máu không đáng kể. Ngày hôm sau, chị T. có thể tự đi lại và sinh hoạt cá nhân bình thường. Đến ngày hậu phẫu thứ hai, chị đã được xuất viện. “Tôi rất bất ngờ vì quá trình điều trị nhanh hơn tôi tưởng, bác sĩ tư vấn rất kỹ, điều dưỡng chăm sóc chu đáo và chỉ sau hai ngày là được về nhà. Trước đây, người nhà tôi từng mổ sỏi thận nhưng phải nằm viện hơn một tuần vì đau đớn với vết mổ rất dài và còn sót nhiều sỏi sau mổ” chị T. chia sẻ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Toàn, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, sỏi thận là bệnh phổ biến, chiếm tới 70% khối lượng can thiệp ngoại khoa tại khoa. Nhờ các kỹ thuật hiện đại, bệnh viện hiện chỉ còn phải mổ mở dưới 1% - ngang tầm với các quốc gia phát triển. Điều quan trọng nhất là phát hiện và điều trị đúng thời điểm, đúng phương pháp, kết hợp phòng ngừa tái phát. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Toàn cho biết: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 250-300 bệnh nhân liên quan tiết niệu; trong đó, sỏi tiết niệu chiếm khoảng 50%. Với hệ thống thiết bị hiện đại, nhiều trường hợp bệnh khó, như: Sỏi san hô, sỏi lớn, sỏi trên nền thận dị dạng hoặc ở bệnh nhi vẫn có thể can thiệp an toàn, không để lại sẹo mổ.
Một trường hợp khác là người bệnh nam N.Q, 17 tuổi, từng mổ tạo hình niệu quản vì bệnh lý hẹp niệu quản bẩm sinh ở cơ sở khác cách đây 10 năm. Sau đó, người bệnh đã điều trị nhiều nơi nhưng chưa hiệu quả. Đến bệnh viện, người bệnh được chẩn đoán bị hẹp niệu quản tái phát kèm sỏi thận thứ phát. Trường hợp này được tiến hành can thiệp nội soi qua da tán sỏi bằng năng lượng laser, nong qua chỗ hẹp và đặt hai ống thông niệu quản. Ca mổ chỉ kéo dài 60 phút và người bệnh được xuất viện ngay ngày hôm sau.
“Với kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi bằng máy soi mềm, những trường hợp có sỏi kích thước nhỏ (10-20 mm) có thể điều trị nhanh chóng, xuất viện trong ngày và không để lại sẹo mổ. Những viên sỏi kích thước lớn (trên 20 mm), nằm ở vị trí phức tạp sẽ được chỉ định tán sỏi qua da, một phương pháp tiên tiến, hiệu quả và độ an toàn cao; đồng thời, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại”, bác sĩ Toàn phân tích.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, điểm nổi bật trong quy trình điều trị bệnh là quy trình được số hóa hoàn toàn. Bác sĩ cập nhật phác đồ điều trị mới nhất giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán và giảm thời gian nằm viện chờ mổ. Người bệnh thường chỉ cần nằm viện từ một đến ba ngày sau phẫu thuật. Bên cạnh kỹ thuật can thiệp, vai trò của dinh dưỡng và tư vấn phòng ngừa tái phát sỏi cũng chiếm vị trí quan trọng. Việc xác định bản chất phân tử sỏi sẽ giúp phối hợp chuyên khoa dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp, ngăn ngừa hình thành sỏi mới.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình khuyến cáo: “Sỏi thận là bệnh dễ tái phát, vì vậy cần điều trị triệt để, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống phù hợp. Người dân nên khám định kỳ để phát hiện sớm sỏi khi chúng còn nhỏ, chưa gây biến chứng để có hướng theo dõi và điều trị nhanh chóng. Với các trường hợp đã có sỏi lớn hoặc sỏi gây ứ nước thận, cần điều trị tích cực bằng các phương pháp ít xâm lấn để bảo tồn chức năng thận và giảm biến chứng. Đặc biệt, người dân nếu có triệu chứng đau vùng hông lưng, tiểu buốt, tiểu máu hay sốt… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được tầm soát và điều trị kịp thời”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-tien-bo-trong-dieu-tri-soi-than-post879212.html