Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Ung thư tuyến giáp khá lành tính với tiên lượng tốt khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi hoàn toàn được không?

So với các loại ung thư khác thì ung thư tuyến giáp đáp ứng tốt với quá trình điều trị. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, sau điều trị bệnh nhân có tỷ lệ sống cao và kéo dài nhất.

Trên lâm sàng ung thư tuyến giáp được phân loại thành nhiều thể khác nhau nhưng chúng đều xuất phát từ hai loại tế bào nang, cận nang và tổ chức liên kết, tế bào miễn dịch. Bao gồm:

Ung thư biểu mô nhú: Đặc điểm của loại này là có khối u dần phình to ở cổ và không đau nhưng làm bệnh nhân bị khàn giọng. Tuyến giáp của người bệnh không bị thay đổi nhưng một số bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng cường giáp.
Ung thư biểu mô nang: Khối u ở tuyến giáp phát hiện rất nhanh nên người bệnh rất dễ nhận biết. Biểu hiện bởi tình trạng khàn giọng, một số bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng di căn.
Ung thư biểu mô tủy: Đặc điểm của bệnh là khối u cứng không đau, nổi nhiều hạch bạch huyết và có thể gây khản giọng.
Ung thư biểu mô không biệt hóa: Có khối u cứng ở cổ, sưng to và phát triển nhanh. Tuyến giáp bị sưng to và có hiện tượng di căn.
Các loại khác: Ung thư biểu mô nhầy; ung thư biểu mô dạng biểu bì nhầy; ung thư biểu mô vảy.

Mặc dù ung thư tuyến giáp khá lành tính, trong đó ung thư biểu mô nhú thường gặp nhất và cũng lành tính nhất. Nhưng mỗi loại ung thư tuyến giáp cũng có nguy cơ khác nhau nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

TS.BS.Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương tư vấn cho bệnh nhân.

TS.BS.Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương tư vấn cho bệnh nhân.

Về điều trị ung thư tuyến giáp, biện pháp điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật. Phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, loại bỏ các tế bào bị ảnh hưởng và các hạch bạch huyết. Sau phẫu thuật, tùy mỗi loại ung thư cũng như giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể tiếp tục được điều trị bằng thuốc phóng xạ i-ốt 131 hoặc xạ trị.

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp

- Đối với ung thư thể nhú: Chỉ định cắt toàn bộ thùy giáp cùng bên đối với u lớn hơn 1cm, bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ thấp, khối u không vượt quá vỏ bao tuyến giáp, không thâm nhiễm mạch máu và di căn.

Trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú ở cả 2 thùy, khối u vượt quá vỏ bao tuyến giáp, xâm lấn tại chỗ hay đã có di căn, bác sĩ sẽ lựa chọn cắt tuyến giáp toàn bộ cho bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị bổ trợ bằng phóng xạ i-ốt 131 sau mổ.

- Đối với khối u thể nang và tế bào Hurthlre có biểu hiện là những nhân giáp đơn độc, tương đối mềm và có kích thước khá lớn (2-5cm). Nhiều bác sĩ lựa chọn tiến hành cắt toàn bộ một thùy giáp và eo tuyến. Sau phẫu thuật nếu kết quả giải phẫu bệnh lý là u lành tính hoặc khối u ác tính nhỏ và chỉ xâm lấn tối thiểu thì bệnh nhân không phải điều trị gì thêm. Nếu tổn thương được xác định là ác tính, có thâm nhiễm, di căn hạch... thì bệnh nhân được chỉ định cắt tuyến giáp toàn bộ và điều trị i-ốt 131.

- Khi bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa di căn hạch, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết học lâm sàng Hoa Kỳ thì phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và vét hạch cổ là tối ưu nhất. Đây là biện pháp lý tưởng, làm giảm tái phát tại chỗ và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng i-ốt 131 điều trị hủy mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật người bệnh nên đi tái khám bệnh 3 - 6 tháng 1 lần tại các cơ sở chuyên khoa. Bệnh nhân sẽ được chỉ định X - quang, xạ hình phát hiện di căn, định lượng hormon tuyến giáp để có thể theo dõi được diễn tiến của bệnh và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến giáp thường có nhiều ổ, các nghiên cứu giải phẫu bệnh sau phẫu thuật cho thấy 32% số bệnh nhân có các ổ ung thư ở cả hai thùy, 50% có nhiều ổ nhỏ trong một thùy. Nên hiện nay phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ là chỉ định được lựa chọn ở các trung tâm chuyên khoa về tuyến giáp. Tuy nhiên, ngay cả đối với các phẫu thuật viên có kinh nghiệm về phẫu thuật, vẫn có tới 80% các trường hợp bệnh nhân có mô giáp sót sau phẫu thuật.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khi tổ chức khối u xâm lấn vào mạch máu, thần kinh, đường thở... cũng không cho phép phẫu thuật viên cắt triệt để nhu mô tuyến giáp. Hơn nữa điều trị bằng phẫu thuật cắt giáp đơn thuần không giải quyết được các trường hợp ung thư tuyến giáp đã có di căn xa vào phổi, xương, não... Cho nên, những trường hợp này việc điều trị bằng i-ốt 131 sau phẫu thuật là yêu cầu cần thiết và hết sức quan trọng.

Phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Phẫu thuật tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Điều trị sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Phương pháp i-ốt 131: Chỉ có tác dụng với những trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa - là loại tế bào ung thư có khả năng hấp thu i-ốt 131. I-ốt 131 là một đồng vị phóng xạ, có tác dụng loại bỏ phần tổ chức tuyến giáp còn sót sau phẫu thuật bao gồm cả mô giáp lành tính và cả những ổ ung thư rất nhỏ. Tạo điều kiện theo dõi sự tiến triển của bệnh bằng định lượng nồng độ thyroglobulin (Tg) – một protein chỉ có nguồn gốc từ mô giáp. Vì vậy, khi tuyến giáp đã được loại bỏ hoàn toàn Tg được coi là chất chỉ điểm đáng tin cậy trong theo dõi tiến triển của bệnh. Điều trị những ổ di căn ung thư tại các tổ chức hạch, phổi, xương...

Tuy vậy, không nên điều trị i-ốt 131một cách thường quy sau mổ mà chỉ dành cho các loại ung thư thể biệt hóa (ung thư tuyến giáp thể nhú, nang), tuổi cao, nhiều ổ, có xâm lấn tại chỗ, và đặc biệt có di căn xa.

Dùng i-ốt 131 làm giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ nhưng không kéo dài thời gian sống thêm. Đối với ung thư tuyến giáp có di căn xa (xương, phổi) đáp ứng tốt với điều trị này, đặc biệt là loại có bắt i-ốt phóng xạ.

Điều trị nội tiết: Sử dụng hormone tuyến giáp hay liệu pháp ức chế TSH nhằm ức chế TSH huyết thanh. Levothyroxine được sử dụng với liều cao hơn nhu cầu sinh lý bình thường để ức chế sự sản xuất TSH của tuyến yên.

Levothyroxine được dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ vào khoảng thời gian giữa các đợt điều trị i-ốt 131 và khi bệnh nhân đã xóa sạch mô giáp sót. Mục đích của liệu pháp hormone là thay thế hoạt động của tuyến giáp đã cắt bỏ và ức chế TSH, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư có nguồn gốc từ tế bào nang tuyến, tác dụng giảm tỷ lệ tái phát và tăng thời gian sống thêm.

Xạ trị ngoài: Mặc dù xạ trị ngoài trong ung thư tuyến giáp là một vấn đề còn nhiều tranh luận, nhất là với ung thư thể biệt hóa. Phương pháp này ít được sử dụng ở đa số các trung tâm điều trị ung thư ở Mỹ. Nhưng xạ trị ngoài là chỉ định không thể thiếu trong di căn xương nhưng không phẫu thuật được, hoặc di căn cột sống, hoặc nền sọ mà không bắt i-ốt phóng xạ. Chỉ định cho các trường hợp phẫu thuật không lấy hết được tổ chức ung thư, có nguy cơ tái phát, ung thư thể không biệt hóa hoặc phối hợp với i-ốt 131 để tăng hiệu quả của i-ốt phóng xạ.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng sau điều trị ung thư tuyến giáp

Dinh dưỡng đối với các bệnh ác tính và mạn tính rất quan trọng. Bệnh nhân cần cố gắng ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và ăn đúng bữa.

Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp vẫn có thể ăn uống theo sở thích nhưng cần phải ăn uống vệ sinh và chọn thực phẩm giàu canxi.

Ngoài ra, cần tránh thức ăn cay, nóng, dầu mỡ và những chất kích thích tim mạch như rượu, bia, cà phê…

Trong một số trường hợp bệnh nhân bị hạ canxi máu sau khi mổ tuyến giáp, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được theo dõi về tình trạng này.

ThS.BS.Trần Đoàn Kết

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap-16924061810004972.htm