Các phương pháp trị thoái hóa hoàng điểm

Thoái hóa hoàng điểm cần điều trị sớm và đúng cách để tránh gây suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa.

1. Thoái hóa hoàng điểm là gì?

Điểm vàng là một phần của võng mạc (mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt), giúp kiểm soát tầm nhìn rõ ràng và chính xác. Thoái hóa hoàng điểm xảy ra khi quá trình lão hóa gây tổn thương cho điểm vàng, đặc biệt ở người trên 50 tuổi, nên được gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, có thể làm mờ thị lực trung tâm.

Có 2 loại thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác với nguyên nhân khác nhau:

1.1.Thoái hóa hoàng điểm khô

Loại này là phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% những người mắc. Thoái hóa xảy ra khi các tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong điểm vàng dần dần bị phá vỡ, thường là một mắt tại một thời điểm. Mất thị lực sẽ tiến triển chậm và dần dần.

1.2. Thoái hóa hoàng điểm ướt

Mặc dù thoái hóa hoàng điểm ướt ít phổ biến hơn nhưng nó thường dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng hơn so với thoái hóa điểm vàng khô. Quá trình xảy ra khi các mạch máu bất thường bắt đầu phát triển bên dưới võng mạc. Chúng rò rỉ chất lỏng và máu và có thể tạo ra một điểm mù lớn ở trung tâm trường thị giác.

Điểm vàng là một phần của võng mạc giúp kiểm soát tầm nhìn rõ ràng và chính xác.

Điểm vàng là một phần của võng mạc giúp kiểm soát tầm nhìn rõ ràng và chính xác.

2. Nguyên nhân và triệu chứng

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra thoái hóa hoàng điểm vẫn chưa được xác định nhưng có các yếu tố rủi ro có thể góp phần gây ra:

Tiền sử gia đình có người mắc thoái hóa hoàng điểm.
Người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên.
Chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa.
Ít vận động, tiếp xúc nhiều với tia UV.
Hút thuốc lá.
Các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh tim, cholesterol máu cao, béo phì...

Những triệu chứng phổ biến nhất mà bệnh gây ra bao gồm:

Tầm nhìn bị mờ, không rõ nét.
Khó nhận ra khuôn mặt quen thuộc.
Đường thẳng xuất hiện lượn song.
Một vùng tối, trống rỗng hoặc điểm mù xuất hiện ở trung tâm tầm nhìn.
Mất thị lực trung tâm, đây là vùng cần thiết để lái xe, đọc, nhận dạng khuôn mặt và thực hiện công việc cận cảnh.

Các triệu chứng thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác có thể trông giống như các bệnh về mắt khác. Trong giai đoạn đầu, có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, vì vậy mọi người có thể không nghi ngờ mình mắc bệnh này. Sự hiện diện của drusen - những chất lắng đọng nhỏ màu vàng trong võng mạc, là một trong những dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của bệnh thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác. Những điểm này sẽ được bác sĩ nhìn thấy trong khi khám mắt.

Thoái hóa hoàng điểm cần điều trị sớm và đúng cách để tránh gây suy giảm thị lực.

Thoái hóa hoàng điểm cần điều trị sớm và đúng cách để tránh gây suy giảm thị lực.

3. Các phương pháp điều trị thoái hóa hoàng điểm

3.1.Thoái hóa hoàng điểm khô

Trong điều trị thoái hóa hoàng điểm khô có thể sử dụng:

- Các chương trình phục hồi chức năng thị giác.

- Các thiết bị hỗ trợ thị giác kém để xây dựng các kỹ năng thị giác.

- Hình thành làm quen các cách thức mới, điều chỉnh để sống chung với bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

- Vitamin chống oxy hóa được gọi là công thức AREDS2 có thể giúp giảm nguy cơ mất thị lực.

- Đối với những người bị thoái hóa điểm vàng (AMD) giai đoạn cuối, còn được gọi là teo địa lý, không có phương pháp điều trị nào.

Hai loại thuốc mới nhắm vào chuỗi bổ sung và ngăn không cho nó tấn công võng mạc gần đây đã tiến tới các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, có thể được phê duyệt vào năm 2023. Những loại thuốc này được tiêm trực tiếp vào mắt của bệnh nhân:

- Pegcetacoplan nhắm đến một loại protein bổ sung có tên là C3.

- Zimura nhắm đến một loại protein khác là C5.

3.2.Thoái hóa hoàng điểm ướt

Nếu được phát hiện sớm, bệnh thể ướt có thể được điều trị tránh bệnh nặng hơn. Các phương pháp điều trị khác nhau nhắm vào các mạch máu phát triển bất thường trong võng mạc.

- Tiêm thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) vào mắt để ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường. Đây là phương pháp điều trị chính cho thể ướt.

Thuốc chống VEGF được sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào mắt bị ảnh hưởng. Quy trình này được thực hiện bằng kim rất nhỏ và dưới lớp thuốc nhỏ mắt gây tê (gây mê). Điều trị kháng VEGF thường được thực hiện thường xuyên theo thời gian, cần tiêm nhiều lần để duy trì hiệu quả điều trị và bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận về lịch trình điều trị tốt nhất cho mỗi bệnh nhân.

Các thuốc chống VEGF bao gồm:

+ Ranibizumab là thuốc kháng VEGF đầu tiên được cấp phép cho bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt. Bệnh nhân có thể cần phải điều trị bốn tuần một lần bằng thuốc này.

+ Aflibercept tồn tại lâu hơn trong mắt so với ranibizumab, trung bình một bệnh nhân có thể chỉ cần tham gia điều trị tám tuần một lần.

+ Brolucizumab có tác dụng lâu hơn so với các phương pháp điều trị trước đây và chỉ cần được tiêm khoảng 12 tuần một lần. Những bệnh nhân phản ứng tốt với thuốc có thể được tiêm cách xa nhau hơn.

+ Faricimab là loại thuốc được phê duyệt gần đây nhất để điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt. Đây là loại thuốc tác dụng kép đầu tiên và giải quyết hai con đường sinh học liên quan đến sự phát triển của mạch máu. Nó cũng có tác dụng lâu hơn và bệnh nhân có thể trải qua 12 hoặc 16 tuần giữa các lần tiêm.

- Liệu pháp quang động là sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và tia laser nhằm hàn gắn các mạch máu bị rò rỉ.

- Điều trị bằng laser sử dụng một chùm ánh sáng hướng vào võng mạc để bịt kín các mạch máu bị rò rỉ.

4. Làm gì khi bị thoái hóa hoàng điểm?

Thoái hóa hoàng điểm không gây mù hoàn toàn, nhưng việc mất thị lực trung tâm có thể khiến người bệnh khó nhìn thấy khuôn mặt, khó đọc, lái xe hoặc thực hiện các công việc nhìn gần như nấu ăn hoặc sửa chữa đồ đạc trong nhà.

Bệnh xảy ra rất chậm ở một số người và nhanh hơn ở những người khác. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không nhận thấy tình trạng giảm thị lực trong một thời gian dài. Do đó, điều phải đi khám mắt thường xuyên để biết tình trạng bệnh, từ đó có cách điều trị bệnh kịp thời.

Khi bị thoái hóa hoàng điểm, người bệnh cần:

- Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng bao gồm rau lá xanh, trái cây màu vàng và cam, cá và ngũ cốc nguyên hạt.

- Có thể bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe đôi mắt như: Vitamin A, C, E, omega-3, kẽm, lutein và zeaxanthin theo đúng chỉ định của bác sĩ và dược sĩ.

- Duy trì huyết áp bình thường và kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Đeo kính râm và đội mũ khi hoạt động ngoài trời.

- Đeo kính áp tròng ngăn chặn tia cực tím và ánh sáng xanh, đồng thời giảm độ chói.

- Kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện các vấn đề.

Làm gì khi gặp người say nắng, say nóng?

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-tri-thoai-hoa-hoang-diem-169230520132702632.htm