Các phương pháp tự nhiên giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể
Nồng độ axit uric quá cao là nguyên nhân chính gây nên bệnh Gout và nhiều hệ quả sức khỏe khác.
Axit uric là một chất thải tự nhiên từ quá trình tiêu hóa các loại thức ăn có chứa nhân purin. Purin là một hợp chất hữu cơ dị vòng, được tìm thấy trong thực phẩm và đồ uống chúng ta sử dụng hàng ngày như: thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn…
Thông thường, thận và nước tiểu có chức năng lọc và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều purin trong chế độ ăn uống hoặc nếu cơ thể không đào thải đủ nhanh, axit uric có thể tích tụ trong máu.
Mức axit uric bình thường là dưới 6,8 mg/dL. Nồng độ axit uric cao (trên 6,8 mg/dL) được gọi là tăng axit uric máu. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh gout gây đau khớp do tích tụ tinh thể urat.
Axit uric có thể tích tụ trong cơ thể bạn vì nhiều lý do. Các nguyên nhân phổ biến là do chế độ ăn, di truyền học, béo phì hoặc thừa cân. Một số rối loạn sức khỏe cũng có thể dẫn đến nồng độ axit uric cao như bệnh thận, đái tháo đường, suy giáp, một số loại ung thư hoặc hóa trị, bệnh vẩy nến.
Vậy làm thế nào bạn có thể giảm nồng độ axit uric trong cơ thể một cách tự nhiên?
Hạn chế thực phẩm giàu purin
Bạn có thể hạn chế nguồn axit uric trong chế độ ăn uống của mình. Tránh ăn uống quá mức một số loại thực phẩm như: thịt đỏ, nội tạng, cá, động vật có vỏ, gia cầm, cây họ đậu.
Tránh đường
Thực phẩm có đường
Mặc dù nồng độ axit uric cao thường liên quan đến chế độ ăn giàu protein, nhưng lượng đường tiêu thụ cũng góp phần tạo ra những hệ quả xấu.
Fructose (đường đơn) là một loại đường tự nhiên có trong trái cây và mật ong. Khi cơ thể bạn phân hủy đường fructose, sẽ giải phóng purin và làm tăng nồng độ axit uric.
Để giảm lượng đường tiêu thụ, hãy thực hiện các bước sau: ăn nhiều thực phẩm toàn phần (chưa qua chế biến và chưa tinh chế), hạn chế thực phẩm chế biến, đóng gói, kiểm tra nhãn thực phẩm để biết lượng đường, ăn trái cây tươi thay vì đồ ăn chế biến chứa đường.
Đồ uống có đường
Đồ uống có đường, soda và thậm chí cả nước ép trái cây tươi thường có hàm lượng đường cao.
Đường fructose trong đồ uống được hấp thụ nhanh hơn đường trong thực phẩm toàn phần vì đồ uống không chứa chất xơ, protein hoặc các chất dinh dưỡng khác. Nghiên cứu cho thấy, sự hấp thụ đường tinh luyện nhanh hơn này làm tăng lượng đường trong máu và cũng dẫn đến lượng axit uric cao hơn.
Nên thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, nước khoáng, trà thảo mộc, trà đen hoặc trà xanh không đường, cà phê (không thêm đường).
Uống nhiều nước hơn
Uống nhiều nước giúp thận đào thải axit uric ra ngoài nhanh hơn. Luôn mang theo một chai nước bên mình để giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái ổn định, không bị mất nước.
Tránh uống rượu
Một số loại đồ uống có cồn, chẳng hạn như bia, chứa hàm lượng purin cao, sử dụng quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, ngay cả đồ uống có cồn chứa ít purin cũng có thể làm tăng sản xuất purin trong cơ thể.
Rượu làm tăng chuyển hóa nucleotide, đây là một nguồn purin có thể biến thành axit uric. Ngoài ra, rượu cũng ảnh hưởng đến tốc độ tiết ra axit uric, có thể dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu.
Uống cà phê
Nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh theo hai cách chính: một là cạnh tranh với enzyme phá vỡ purin trong cơ thể, làm giảm tốc độ sản xuất axit uric; hai là làm tăng tốc độ cơ thể đào thải axit uric.
Giảm cân
Béo phì có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric. Tăng cân sẽ làm tăng sản xuất axit uric và giảm bài tiết axit uric qua nước tiểu.
Nếu bạn thừa cân, thay vì ăn kiêng cấp tốc, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống lành mạnh và kế hoạch giảm cân phù hợp.
Quản lý lượng đường trong máu
Nghiên cứu cho thấy rằng tăng axit uric máu có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan. Những người có lượng đường trong máu cao, ví dụ như những người mắc bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, cũng có nguy cơ cao bị tăng axit uric máu.
Chất xơ
Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ axit uric. Chất xơ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và insulin. Đồng thời, chất xơ cũng làm tăng cảm giác no, giúp giảm nguy cơ ăn uống quá độ.
Hầu hết người trưởng thành nên đặt mục tiêu nạp 22 đến 34 gam chất xơ trong chế độ ăn uống thông qua các nguồn thực phẩm như đậu xanh, đậu lăng, quả hạch, gạo lứt, yến mạch, rau chân vịt, bông cải xanh, táo, lê.
Tuy nhiên, chú ý từ từ tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn để tránh là rối loạn tiêu hóa.
Tăng cường bổ sung vitamin C
Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là từ 75 - 120 mg đối với hầu hết người trưởng thành. Bạn có thể nạp nhiều vitamin C hơn thông qua chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả như cam, bưởi, kiwi, dâu tây, dưa lưới, ớt đỏ và xanh, bông cải xanh, cà chua và thực phẩm bổ sung vitamin C không kê đơn.
Anh đào
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn và uống nước ép cherry (quả anh đào) có thể giúp giảm nồng độ axit uric ở những người mắc bệnh gout. Quả anh đào có chứa anthocyanin, một hợp chất chống oxy hóa, chống viêm.
Kiểm tra thuốc và thực phẩm bổ sung của bạn
Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể khiến axit uric tích tụ trong máu như aspirin, thuốc lợi tiểu, vitamin B-3 (niacin), thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporin và tacrolimus pyrazinamid (một loại thuốc điều trị bệnh lao), levodopa (một loại thuốc điều trị bệnh Parkinson), thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và các loại thuốc huyết áp khác.
Nếu bạn cần dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và bạn bị tăng axit uric máu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra một giải pháp thay thế tốt nhất