Các quốc gia toán tính gì từ đàm phán Ukraine?

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và các nước liên quan đều đang theo đuổi một cách tiếp cận mới đối với tình hình chiến sự Ukraine.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi một cách tiếp cận mới đối với tình hình chiến sự Ukraine.

Kể từ khi trở lại chính trường với cam kết “kết thúc chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ”, ông Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng: ông muốn chấm dứt sự can dự của Mỹ tại cuộc chiến này, bất kể kết quả là gì. Thay vì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine hay răn đe Nga như dưới thời Tổng thống Biden, chính quyền Trump đang theo đuổi một chiến lược thực dụng hơn – biến Ukraine thành con bài mặc cả trong một thỏa thuận toàn cầu với Moskva.

Mỹ hướng tới thỏa thuận lớn hơn

Chính quyền Trump đã chuyển hướng chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến Ukraine, không còn theo đuổi mục tiêu “chiến thắng” như dưới thời Biden hay như kỳ vọng của chính Ukraine. Thay vì tập trung bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine hay ngăn chặn Nga mở rộng ảnh hưởng, Mỹ dần xem đây là vấn đề của châu Âu và Ukraine, không liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của Mỹ trong việc “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Mục tiêu thực sự của Mỹ trong các cuộc đàm phán là gì? Trước hết, chính quyền Trump mong muốn rút lui khỏi cuộc chiến và tuyên bố mình đã “mang lại hòa bình” cho Ukraine, hoặc ít nhất là chấm dứt sự can dự của Mỹ. Điều này giúp họ giảm bớt áp lực chính trị trong nước và chuyển hướng sự chú ý của công chúng sang các vấn đề khác. Một lệnh ngừng bắn tạm thời, dù có thể không bền vững, cũng đủ để Mỹ tuyên bố “chiến thắng” và rút quân viện trợ, qua đó thoát khỏi “vũng lầy Ukraine” mà Biden đang gánh chịu.

Tổng thống Trump theo đuổi cách tiếp cận khác biệt so với người tiền nhiệm đối với vấn đề Ukraine. (Ảnh: ABC)

Tổng thống Trump theo đuổi cách tiếp cận khác biệt so với người tiền nhiệm đối với vấn đề Ukraine. (Ảnh: ABC)

Mục tiêu thứ hai, mang tính địa chính trị hơn, là trao đổi sự rút lui của Mỹ khỏi Ukraine lấy những thỏa thuận lớn hơn với Nga về các vấn đề toàn cầu ngoài châu Âu, như kiểm soát vũ khí, Bắc Cực, Iran, Triều Tiên, thậm chí là cạnh tranh với Trung Quốc. Chính quyền Trump, đặc biệt qua các cuộc gặp tại Riyadh hồi tháng Hai, đã đặt nền móng cho một thỏa thuận rộng lớn hơn nhằm tái cân bằng địa chính trị, trong đó vai trò của Nga sẽ được đổi lấy sự hợp tác trên nhiều mặt trận then chốt. Mối quan hệ mới này cũng được kỳ vọng có thể tạo “khoảng cách” giữa Nga và Trung Quốc - một chiến lược được gọi là “đảo ngược Kissinger”.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri Mỹ vốn xem Nga là đồng minh bảo thủ về văn hóa và giá trị cũng thúc đẩy chính quyền Trump giảm nhẹ trách nhiệm đối với Nga trong cuộc xung đột. Điều này giải thích tại sao họ liên tục đổ lỗi cho Ukraine là bên gây ra chiến tranh và tránh kêu gọi trách nhiệm từ phía Nga hay Tổng thống Putin.

Cuối cùng, dưới áp lực từ một thế hệ lãnh đạo mới trong chính quyền Trump, chính sách Mỹ đang dần chuyển trọng tâm từ châu Âu và Ukraine sang châu Á, nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề an ninh tại biên giới phía nam nước Mỹ. Việc rút quân và vũ khí khỏi châu Âu, thậm chí bàn giao vai trò lãnh đạo NATO cho châu Âu, là những bước đi nhằm tái cơ cấu lực lượng và ưu tiên chiến lược mới cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nga tạm hướng tới chiến thắng dài hạn

Trước động thái rút lui của Mỹ, Nga cũng không bỏ lỡ cơ hội tái định vị. Dù chưa cam kết một lộ trình hòa bình cụ thể, Moskva cho thấy họ sẵn sàng tham gia một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời – miễn là Mỹ không tiếp tục hỗ trợ Ukraine về quân sự và tình báo. Một lệnh ngừng bắn, dù chỉ trong 30 ngày, cũng có thể giúp Nga củng cố các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, đồng thời chia rẽ thêm nội bộ phương Tây.

Không giống Ukraine, vốn bị gây áp lực bằng cách cắt viện trợ, Nga lại được tiếp cận bằng “cà rốt”. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên dầu Nga nếu đàm phán thất bại, nhưng đồng thời lại nhấn mạnh rằng “có thể Putin không phải là người có lỗi”. Đặc phái viên Mỹ thậm chí công khai tuyên bố ông không coi Putin là “kẻ xấu”.

Chiến lược này phản ánh một sự lựa chọn có chủ đích: dùng áp lực với Ukraine, dùng nhượng bộ với Nga, nhằm đạt được “hòa bình trong nhiệm kỳ” – dù mong manh và ngắn ngủi.

Các quốc gia đều có toan tính riêng đối với đàm phán hòa bình tại Ukraine. (Ảnh: Getty)

Các quốc gia đều có toan tính riêng đối với đàm phán hòa bình tại Ukraine. (Ảnh: Getty)

Ukraine xuống thang căng thẳng

Trước sức ép từ Mỹ, Ukraine buộc phải lùi bước. Trong tuần lễ sau khi Tổng thống Zelensky công khai tranh luận với Trump, Washington lập tức ngừng mọi hỗ trợ quân sự và tình báo cho Kiev. Kết quả là, chính quyền Ukraine phải đồng ý ký một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Mỹ và chấp nhận ngừng bắn trong 30 ngày – dù chưa có gì đảm bảo về lâu dài.

Với Ukraine, đây là một thất bại mang tính chiến lược. Lệnh ngừng bắn có thể giúp giảm thiểu thương vong tạm thời, nhưng lại tạo ra khoảng trống nguy hiểm trên chiến trường nếu Nga tận dụng để tái vũ trang. Việc Mỹ “lấy lại đồ chơi và ra về” khiến Kiev bị bỏ rơi giữa một cuộc xung đột chưa có hồi kết.

EU mong muốn gì?

Khi cuộc chiến ở Ukraine dần hạ nhiệt, nhiều người cho rằng tương lai của quốc gia này sẽ phụ thuộc vào quyết định của hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là mối quan hệ giữa Ukraine và châu Âu – đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).

EU, dẫn đầu bởi các cường quốc như Pháp, Đức, Anh và Ba Lan, không chỉ đơn thuần tham gia vào quá trình hòa giải do Mỹ khởi xướng mà còn có mục tiêu chiến lược rõ ràng: duy trì sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập, vững mạnh và thân phương Tây. Việc này đồng nghĩa với việc EU muốn giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình, giúp nước này phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng với hệ thống kinh tế, chính trị và an ninh của châu Âu.

Chuyến thăm Kiev của các lãnh đạo EU ngày 10/5, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, không chỉ thể hiện sự đoàn kết với Ukraine mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng về cam kết của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine trên nhiều phương diện.

Mặc dù các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine còn nhiều khó khăn và chưa thể chắc chắn về tương lai gần, EU vẫn là lựa chọn duy nhất khả thi để Ukraine có thể tìm kiếm sự bảo vệ và phát triển lâu dài, nhất là khi cơ hội mở rộng NATO gần như không thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay. EU hiểu rằng việc tích hợp Ukraine không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính chiến lược, nhằm củng cố vị thế địa chính trị của khối trong khu vực và đối phó với sự thách thức từ Nga.

Hơn nữa, EU cũng sử dụng quá trình đàm phán gia nhập như một công cụ để kéo gần Ukraine hơn với hệ thống chính sách của mình, từ các chương trình phát triển bền vững, chính sách nông nghiệp chung đến lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Dù có thể phải đối mặt với sự phản đối nội bộ và các vấn đề về kiểm soát lãnh thổ của Ukraine, EU vẫn kiên trì giữ vị trí trung tâm trong tương lai chính trị của Ukraine, vừa bảo vệ lợi ích khu vực, vừa gửi đi thông điệp rõ ràng rằng châu Âu sẽ không để Ukraine đơn độc trước sức ép từ Nga.

Có thể thấy, mục đích của EU trong các cuộc đàm phán với Ukraine không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một quốc gia chiến đấu bảo vệ lãnh thổ mà còn là nỗ lực chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng và củng cố vai trò của châu Âu trong một khu vực đầy biến động, đồng thời khẳng định vị thế của EU như một nhân tố quyết định đối với tương lai an ninh và ổn định của lục địa này.

Kông Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-quoc-gia-toan-tinh-gi-tu-dam-phan-ukraine-ar944523.html