Các sân bay châu Âu đối mặt với nguy cơ hỗn loạn trong mùa Hè
Sau quãng thời gian dài trì trệ vì đại dịch Covid, ngành hàng không thế giới hiện đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Chuyên gia của công ty tư vấn, tiếp thị thương mại và du lịch PC Agency cho biết, nhu cầu đi lại trên thế giới đang ở các mức cao kỷ lục sau 3 năm bị kìm hãm do dịch bệnh. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt hãng hàng không lớn trên thế giới đồng loạt báo lãi nhờ lưu lượng hành khách tăng mạnh.
Trong đó, lợi nhuận ròng của hãng hàng không Ryanair (Ireland) đã tăng mạnh, lên mức 1,4 tỷ euro trong tài khóa 2022 - 2023, do lưu lượng hành khách tăng vọt, cao hơn 13 - 14% so với mức tại thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng có lợi nhuận tốt khi đạt 2,9 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay. Sự hồi sinh mạnh mẽ của Emirates là nhờ khách du lịch quốc tế đổ xô đến UAE sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Dù triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không đang tương đối tươi sáng, không ít chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về những yếu tố rủi ro, trong đó có việc gián đoạn kiểm soát không lưu ở châu Âu và Mỹ do vấn đề về nhân lực. Tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, các hãng hàng không cho biết đã sẵn sàng để tránh lặp lại tình trạng rối loạn tại các sân bay như mùa Hè năm 2022.
Hồi cuối tháng 4 năm nay, các cuộc đình công ở ba sân bay lớn của Đức khiến hơn 100 nghìn hành khách phải hoãn hoặc hủy chuyến bay. Mâu thuẫn giữa hành khách và các hãng hàng không càng làm tăng độ nóng về vấn đề bồi thường cho hành khách. Canada đang xem xét lại luật về việc bồi thường, Mỹ đang nghiên cứu soạn thảo luật mới trong khi Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy củng cố quy định về bồi thường nếu trì hoãn chuyến bay quá 3 giờ đồng hồ.
Cuối tháng 5 vừa qua, hành khách đi máy bay đến Vương quốc Anh đã phải đối mặt với trình trạng ùn tắc lớn do một sự cố hệ thống toàn quốc ảnh hưởng đến các cổng kiểm soát biên giới tự động quét hộ chiếu của khách đến. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những hàng dài hàng trăm người chờ đợi nhiều giờ liền ở các sân bay Heathrow và Gatwick ở thủ đô London. Tình trạng này xảy ra vào đúng thời điểm đi lại đông đúc tới Anh vì đúng dịp kỳ nghỉ mùa Xuân và thời điểm nghỉ giữa kỳ của học sinh các trường học.
Trước đó, các hãng hàng không và các sân bay của Anh từng phải đối mặt với những tình huống gián đoạn khác trong năm ngoái, trong đó có một số cuộc đình công của nhân viên sân bay và nhân viên Lực lượng Biên phòng. Mùa Hè năm ngoái, đã có nhiều chuyến bay phải hủy vì tình trạng thiếu nhân viên.
Theo tờ Sky News, nhân viên an ninh tại sân bay Heathrow sẽ tiếp tục đình công 31 ngày trong mùa Hè năm nay để đòi tăng lương. Đây là thông báo mới từ công đoàn Unite đại diện cho nhóm lao động này, làm dấy lên lo ngại về tình trạng hỗn loạn giao thông trong mùa cao điểm đi lại này. Cụ thể, Unite thông báo hơn 2.000 nhân viên an ninh ở ga số 3 và số 5 của sân bay này sẽ bắt đầu các đợt đình công mới trong thời gian từ ngày 24/6 đến 27/8.
Đội ngũ nhân viên an ninh tại sân bay Heathrow cũng thông báo họ sẽ gia tăng hành động đình công vào mỗi cuối tuần từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Trong thời gian diễn ra đình công với khoảng 1.400 nhân viên an ninh, hành khách có thể chỉ được mang hai vật dụng xách tay qua cửa an ninh.
Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm đi lại khi tuần lễ Eid al-Adha của người theo đạo Hồi diễn ra vào cuối tháng 6, các trường học bắt đầu nghỉ lễ vào cuối tháng 7 và một kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày vào cuối tháng 8. Thông báo từ đại diện Unite Wayne King nêu rõ tình trạng hoãn, hủy chuyến và gián đoạn dịch vụ là điều không thể tránh khỏi khi đình công diễn ra. Tổng thư ký Unite Sharon Graham cho biết, công đoàn đã thông báo tới ban vận hành sân bay Heathrow rằng các cuộc đình công tại sân bay sẽ tiếp diễn cho tới khi người lao động nhận được mức lương công bằng.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ mới đây đã công bố kế hoạch huy động 117 triệu USD để tuyển dụng thêm 1.800 nhân viên kiểm soát không lưu vào năm 2024, sau khi đã tuyển 1.500 nhân viên trong năm 2023. Làn sóng đình công của những người lao động cũng là thách thức không nhỏ trong bối cảnh lạm phát cao vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ngoài vấn đề đình công, thiếu nhân sự thì các hãng hàng không còn phải đối mặt sức ép lớn để đáp ứng mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, bởi hàng không vốn là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn nhất trong việc khử carbon. Châu Âu đang đi đầu trong việc thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp xanh để thay thế cho các chặng bay ngắn. Những rủi ro khác có thể kể đến sự bấp bênh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá chi phí nhiên liệu cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột tại Ukraine..
Ngành hàng không trên thế giới đang đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức trên hành trình phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trước những rủi ro tiềm ẩn, Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh vẫn tin cho rằng các hãng hàng không có thể vững vàng vượt qua đợt cao điểm đi lại trong thời gian tới, dựa vào những kinh nghiệm xử lý vấn đề đã được tích lũy từ mùa hè năm 2022.
Cuối năm ngoái, Cơ quan Kiểm soát Giao thông Hàng không châu Âu (Eurocontrol) nhận định năm 2023 có thể là năm nhiều thách thức nhất trong thập niên do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các cuộc đình công, số lượng máy bay tăng và các thị trường châu Á mở cửa trở lại.