Các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai được đầu tư ra sao sau sáp nhập tỉnh?
Bộ Xây dựng đề xuất phương thức đầu tư hai sân bay quốc tế ở Đà Nẵng sau sáp nhập tỉnh.
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác lập quy hoạch, phương thức đầu tư cảng hàng không Chu Lai.
Theo Bộ Xây dựng, sân bay Chu Lai hiện có công suất 1,2 triệu hành khách mỗi năm. Theo quy hoạch, sân bay này sẽ là cảng hàng không quốc tế với công suất lên đến 10 triệu hành khách vào năm 2030, tăng lên 30 triệu hành khách vào năm 2050, có thể đón được loại máy bay thân rộng như Boeing 747-8 hay Airbus A380.

Sân bay Chu Lai. Ảnh: THANH NHẬT
Thực hiện quy hoạch trên, một doanh nghiệp đã có văn bản và được cơ quan thẩm quyền chấp thuận là nhà tài trợ công tác lập quy hoạch xây dựng dự án khu đô thị sân bay Chu Lai lên 5.000 ha trên cơ sở mở rộng về phía Tây.
Hiện Bộ Xây dựng đã tiếp nhận sản phẩm tài trợ và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tổ chức bước tiếp theo. Tuy nhiên, phương án quy hoạch đến tháng 6-2025 mới được hoàn thiện do cần cập nhật hiện trạng các công trình quân sự tại khu bay, sân đỗ và khớp nối số liệu phân định ranh giới đất đai tại sân bay Chu Lai do Bộ Quốc phòng thực hiện.
Đến nay, Bộ Xây dựng vẫn đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan đối với hồ sơ quy hoạch sân bay Chu Lai theo quy định.
Song song quá trình trên, Bộ Xây dựng vừa tổ chức làm việc với UBND Đà Nẵng về công tác lập quy hoạch sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Chu Lai trên địa bàn TP.
Tại đây, các bên đều xác định hiện tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã sáp nhập. Trong đó, sân bay Đà Nẵng nằm trong khu vực đô thị, việc phát triển gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, Bộ Xây dựng và chính quyền Đà Nẵng thống nhất rà soát lại định hướng quy hoạch, phát triển sân bay quốc tế Đà Nẵng với công suất khoảng 20 triệu hành khách mỗi năm.
Thêm vào đó, Đà Nẵng thực hiện ưu tiên phát triển sân bay quốc tế Chu Lai nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế , xã hội của địa phương.
Thời gian hoàn thành quy hoạch các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai dự kiến vào tháng 9-2025, hoàn thành phê duyệt quy hoạch trong quý IV năm nay.
Về phương thức đầu tư sân bay Chu Lai, Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở đề nghị của tỉnh Quảng Nam cũ, tháng 4-2025, bộ đề xuất giao địa phương làm chủ đầu tư việc mở rộng cảng hàng không này theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Tuy nhiên, vài ngày sau, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các cơ quan liên quan báo cáo lại Thủ tướng việc giao đơn vị làm chủ đầu tư dự án theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó làm rõ khả năng đầu tư của ACV…
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Xây dựng có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, ACV có ý kiến về khả năng bố trí, cân đối nguồn vốn để đầu tư sân bay Chu Lai theo quy hoạch.
Hiện ACV đã hồi đáp và cam kết sẽ cân đối lập kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai trong vai trò là doanh nghiệp cảng hàng không sau khi quy hoạch sân bay Chu Lai được phê duyệt.
Trên cơ sở báo cáo của ACV, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến chính quyền Đà Nẵng để thống nhất phương thức đầu tư sân bay Chu Lai cho phù hợp và báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 tới đây.
Sân bay Chu Lai đón chuyến bay thương mại đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2005. Sân bay này hiện có một nhà ga hành khách, một đường băng dài 3.050 m, được xây dựng, nâng cấp trên đường băng bêtông xi măng từ những năm 1960, đón được máy bay như A320, A321...
Để nâng cấp sân bay này, UBND tỉnh Quảng Nam cũ đề xuất cải tạo sân bay với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư khu bay 3.500 tỉ đồng, sân đỗ 1.000 tỉ đồng, khu hàng không dân dụng 6.500 tỉ đồng, chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng.
Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để đề xuất đầu tư mở rộng sân bay Chu Lai.