Các sáng kiến hướng tới nền kinh tế carbon thấp

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023, nội dung được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm là các sáng kiến hướng tới kinh tế carbon thấp.

Vai trò hạt nhân của doanh nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vai trò của doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nền kinh tế sản xuất theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn còn ít, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp lớn. Với tỷ lệ 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện các giải pháp chuyển đổi công nghệ trong sản xuất hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường đang là một trong những thách thức lớn.

Các doanh nghiệp chia sẻ các sáng kiến thực hiện phát triển xanh

Các doanh nghiệp chia sẻ các sáng kiến thực hiện phát triển xanh

Để thúc đẩy các sáng kiến hướng tới nền kinh tế carbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng: Cần phải có nhận thức toàn diện về cơ hội, thách thức của nền kinh tế carbon thấp đối với sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là hành lang pháp lý đồng bộ, nhất quán phù hợp với các yêu cầu quốc tế và tình hình trong nước; nguồn lực tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi quy trình công nghệ theo hướng sản xuất, kinh doanh phát thải thấp. “Đứng trước xu thế, áp lực mạnh mẽ của thị trường thế giới cũng như trong nước, một trong những giải pháp sáng tạo, hữu hiệu cho các vấn đề nêu trên là Việt Nam cần sớm xây dựng, đưa vào vận hành thị trường carbon trong nước. Đây sẽ là một quá trình đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính”- ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Chủ động thực hiện chuỗi sản xuất xanh

Bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại tại Unilever Việt Nam - chia sẻ, dấu vết carbon trong toàn chuỗi giá trị của Unilever hiện nay chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, tỷ trọng thấp hơn từ nguồn nguyên liệu bao bì, hậu cần và phân phối, phát thải bán lẻ (đặc biệt là tủ đông kem), rác thải và bao bì, bao gồm phân hủy sinh học…

Thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi khí hậu trên toàn cầu, hiện nay, Unilever đã triển khai các chương trình hiệu quả sinh thái để giảm nhu cầu năng lượng, kết quả đạt 100% sử dụng điện lưới tái tạo từ năm 2020. “Tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng 100% nhiệt từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, đồng thời, loại bỏ dần chất làm lạnh HFC khỏi hệ thống làm mát”- bà Lê Thị Hồng Nhi khẳng định.

Nhằm xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ: AEON Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho thuê túi nhằm hỗ trợ khách hàng đưa ra những lựa chọn tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn. Đến nay, 98% túi mua sắm tại các địa điểm kinh doanh tại AEON Việt Nam được làm bằng chất liệu phân hủy sinh học - thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đã gặp một số vấn đề khó khăn, chủ yếu là do giá thành của các vật liệu bao gói hàng hóa thân thiện môi trường (túi bột ngô, khay bã mía, ống hút giấy…) còn cao vì chưa được đầu tư công nghệ và hỗ trợ tài chính để sản xuất đại trà.

Ngoài ra, đại diện của AEON Việt Nam kiến nghị, Chính phủ sớm hoàn thiện các chính sách, quy định, hạ tầng phục vụ cho mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các chính sách về môi trường và phát triển bền vững. Những chính sách này sẽ mở đường cho các nhà sản xuất và phân phối mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư công nghệ... Từ đó, giúp các sản phẩm/nguyên liệu sinh thái dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn. Mặt khác, mô hình liên minh các nhà bán lẻ, nhà sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng giúp nhân rộng sáng kiến và đồng bộ hóa thay đổi ở cấp độ hệ thống.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-sang-kien-huong-toi-nen-kinh-te-carbon-thap-269092.html